Người lao động là F0 điều trị tại nhà có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nào không? Quy định cụ thể ra sao?

Related Articles

Hiện nay, mỗi ngày cả nước ghi nhận hàng trăm ngàn ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó đa phần là những ca bệnh nhẹ, được cách ly và điều trị tại nhà. Trong bối cảnh này, F0 điều trị tại nhà có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hay không đang là câu hỏi nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Mời bạn cùng tìm hiểu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là F0 điều trị tại nhà có được hưởng bảo hiểm xã hội không, cụ thể là được hưởng những chế độ nào và điều kiện, thủ tục ra sao… qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau của Hello Bacsi.

4 chế độ bảo hiểm xã hội người lao động là F0 điều trị tại nhà được hưởng

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội mắc Covid-19 được hưởng đầy đủ các chế độ như đã quy định trong Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội như sau.

1. Chế độ ốm đau

Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi bị ốm đau hoặc nghỉ việc để chăm sóc con bị ốm đau dưới 7 tuổi được hưởng chế độ ốm đau với điều kiện có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền, không phân biệt nội trú hay ngoại trú.

Như vậy, F0 điều trị tại nhà có xác nhận cần phải nghỉ việc để điều trị của bệnh viện hoặc cơ sở khám chữa bệnh thì được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 với mức hưởng như sau:

75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày x số ngày nghỉ

Thời gian nghỉ ốm đau hưởng BHXH tối đa (trong điều kiện làm việc bình thường):

  • Đã đóng BHXH dưới 15 năm: 30 ngày/năm
  • Đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm: 40 ngày/năm
  • Đã đóng BHXH từ đủ 30 năm: 60 ngày/năm

Lưu ý rằng số ngày nghỉ tối đa cho một lần khám chữa bệnh là 30 ngày. Vì vậy nếu cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn trên giấy, bạn cần tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

2. Chế độ nghỉ dưỡng sức sau ốm đau

F0 điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở y tế có xác nhận của cơ quan y tế như đã nói trên, sau thời gian điều trị Covid-19 mà trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, hồi phục sức khỏe theo điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, hồi phục sức khỏe do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định:

  • Tối đa 10 ngày nếu trước đó nghỉ ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày
  • Tối đa 7 ngày nếu trước đó nghỉ ốm đau do phẫu thuật
  • Tối đa 5 ngày trong các trường hợp khác.

Mức hưởng khi nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở (1.490.000 đồng), tức 447.000 đồng/tháng.

3. Chế độ phép năm

F0 điều trị tại nhà có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

Khoản 1 điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ phép hằng năm hưởng nguyên lương với số ngày phép cụ thể:

  • Tối thiểu 12 ngày đối với điều kiện làm việc bình thường
  • Tối thiểu 14 ngày đối với lao động chưa thành niên, khuyết tật hoặc làm các công việc độc hại, nặng nhọc
  • Tối thiểu 16 ngày đối với các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại.

Như vậy, người lao động là F0 điều trị tại nhà không có xác nhận nghỉ để điều trị bệnh của cơ sở y tế, do đó không đủ điều kiện để hưởng chế độ ốm đau và nghỉ dưỡng sức sau ốm đau thì có thể áp dụng chế độ nghỉ phép hưởng lương theo luật và hợp đồng lao động.

4. Người lao động nhiễm Covid-19 trước ngày 1/3/2022 thuộc thành viên công đoàn được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng

Quyết định 3749/QĐ-TLĐ (ngày 15/12/2021) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định người lao động là thành viên công đoàn mắc Covid-19 và không vi phạm quy định về phòng chống dịch được hỗ trợ:

  • Nếu triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế, có xác nhận của cơ quan y tế: tối đa 3 triệu đồng
  • F0 điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế dưới 21 ngày, có xác nhận của cơ quan y tế: tối đa 1.5 triệu đồng

Tuy nhiên, quy định này đã ngưng hiệu lực từ ngày 1/3/2022. Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chi hỗ trợ cho F0 bị nhiễm Covid-19 trước ngày 1/3/2022 (theo quyết định 3749/QĐ-TLĐ) được thực hiện chậm nhất đến ngày 31/3/2022.

F0 là thành viên công đoàn mắc Covid-19 từ ngày 1/3/2022 được hỗ trợ, thăm hỏi, trợ cấp (kể cả F0 đã tử vong) theo quyết định số 4290/QĐ-TLĐ (về việc thu, chi, quản lý tài chính, tài sản công đoàn cơ sở) và 4291/QĐ-TLĐ (về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu trong các cơ quan công đoàn), hiệu lực từ ngày 1/3/2022.

Có thể bạn quan tâm Toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM

Tóm lại, người lao động là F0 điều trị tại nhà có được hưởng những chế độ bảo hiểm xã hội nào? Với điều kiện gì?

F0 điều trị tại nhà có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

Như vậy người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội là F0 điều trị tại nhà có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội không cần xét theo 2 trường hợp:

Có xác nhận điều trị nội trú hoặc điều trị ngoại trú hưởng BHXH của cơ sở y tế sẽ được hưởng các quyền lợi:

  • Chế độ ốm đau và nghỉ dưỡng sức sau ốm đau
  • Hỗ trợ từ công đoàn nếu là thành viên công đoàn bị Covid-19 trước ngày 1/3/2022.

Đối với người lao động là F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, cách ly tự điều trị tại nhà, các cơ sở thu dung hoặc cơ sở 3 tại chỗ mà không có xác nhận điều trị nội trú hoặc ngoại trú hưởng BHXH của cơ sở y tế thì được hưởng:

  • Nghỉ phép năm hưởng lương theo quy định của Luật Lao động và hợp đồng lao động
  • Các hỗ trợ khác (nếu có) của đơn vị sử dụng lao động.

Đối với những trường hợp F0 điều trị tại nhà không có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền chăm sóc, quản lý nói trên, theo đề xuất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Y tế cho hay đang nghiên cứu để đề xuất các nội dung chưa được quy định trong các văn bản luật để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết, giải quyết.

F0 điều trị tại nhà cần làm gì để hưởng trợ cấp ốm đau của bảo hiểm xã hội?

F0 điều trị tại nhà có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

Để hưởng chế độ ốm đau, trong vòng 45 ngày từ khi làm việc trở lại, người lao động cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động:

  • Nếu điều trị nội trú: bản sao giấy ra viện, có chứng nhận của y bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (nếu có)
  • Nếu điều trị ngoại trú: bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (mẫu 56/2017). Sau khi hoàn thành cách ly, điều trị tại nhà, người lao động là F0 liên hệ với cơ sở y tế chịu trách nhiệm chăm sóc, quản lý để được cấp giấy này.

Đơn vị sử dụng lao động sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong tối đa 10 ngày làm việc. Nếu nộp muộn khiến cho doanh nghiệp chậm nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, người lao động phải giải trình lý do bằng văn bản.

Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hỗ trợ trong tối đa 6 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Người lao động có thể nhận tiền hỗ trợ thông qua tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc đơn vị sử dụng lao động.

Chế độ nghỉ dưỡng sức sau ốm đau, hỗ trợ từ công đoàn và nghỉ việc tính vào phép năm được thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp và quy định của pháp luật.

Mong rằng, với thắc mắc người lao động là F0 điều trị tại nhà có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hay không, bạn đọc đã có được những giải đáp thiết thực để có thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ dành cho mình trong tình hình dịch Covid-19 đang lan rộng như hiện nay.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất