Đề kháng da – Cơ chế đặc biệt của hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể

Related Articles

Da là nơi tiếp xúc đầu tiên với các tác nhân gây hại như môi trường ô nhiễm, khói bụi, hóa chất… Không những vậy, đây còn là nơi trú ngụ lý tưởng của cả một binh đoàn vi khuẩn hùng hậu. Để ngăn không cho những vi khuẩn gây hại này xâm nhập vào cơ thể, làn da của chúng ta đã được trang bị một “bộ máy” hoạt động liên tục có tên gọi đề kháng da, hiểu như chức năng đề kháng tự nhiên của da trong hệ miễn dịch.

Đề kháng của da – Áo giáp kiên cố bảo vệ cơ thể khỏi vi sinh vật gây hại

Miễn dịch – đề kháng là một cơ chế bảo vệ đặc biệt của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây hại. Hệ miễn dịch của cơ thể được phân thành 2 loại:

  • Miễn dịch thích nghi: Xuất hiện sau khi cơ thể tiếp xúc với vi sinh vật. Khi cơ thể bị vi sinh vật tấn công, hệ miễn dịch sẽ “ghi nhớ” và sản sinh ra các kháng thể để chống lại sự tấn công của chúng ở lần sau một cách nhanh chóng và mạnh mẽ
  • Miễn dịch bẩm sinh: Bao gồm các tế bào miễn dịch, các thành phần cấu trúc và các chất sẵn có trong thể dịch, sẵn sàng chiến đấu với tác nhân gây bệnh ngay lập tức khi chúng tấn công. Trong đó, da là cơ quan cấu trúc ngoài cùng, chiếm diện tích lớn nhất của cơ thể, do đó da được mệnh danh là lớp “áo giáp” đầu tiên của hệ miễn dịch bẩm sinh. Ngoài ra, da còn có vai trò liên kết giữa hệ miễn dịch bẩm sinh và hệ miễn dịch thích nghi, giúp hoạt hóa các cơ chế miễn dịch đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh.

Cũng giống như bao bộ phận khác trên cơ thể, da cũng có khả năng đề kháng tự nhiên hay còn gọi là đề kháng da để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây hại và binh đoàn vi khuẩn đang cư ngụ ở lớp thượng bì của da.

Mặc dù da là cơ quan dễ thấy nhất trên cơ thể người nhưng đề kháng da lại hoạt động vô hình. Chính vì vậy, không phải ai cũng hiểu rõ về cơ chế hoạt động của chức năng này. Mặc dù đề kháng da có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể nhưng ở Việt Nam, chức năng đề kháng của da này chỉ mới được quan tâm trong thời gian gần đây. Trước đó, đa số các nghiên cứu đề kháng da chỉ chủ yếu cung cấp thông tin về da chứ chưa đề cập đến tác dụng chống lại các tác nhân gây hại, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh.

Đề kháng của da hoạt động như thế nào để bảo vệ cơ thể?

Nhìn bề ngoài, bạn có thể cảm thấy da như một lớp vải mềm mịn, bền dai bao phủ lấy toàn bộ cơ thể. Thế nhưng, thực tế, ẩn sau sự mềm mại, mịn màng ấy là một bức tường cực kỳ kiên cố. Da có cấu trúc gồm ba lớp: thượng bì, trung bì và hạ bì. Chức năng đề kháng da đã có mặt ngay từ lớp thượng bì và được cấu thành bởi 3 lớp hàng rào:

  • Hàng rào vật lý: Gồm các sợi keratin của tế bào sừng liên kết chặt chẽ với nhau, giúp kháng lại sự ăn mòn của men tiêu protein do vi khuẩn tiết ra. Ngoài ra, lớp lipid xen kẽ giữa các tế bào sừng còn giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh.
  • Hàng rào hóa học: Gồm các chất kháng khuẩn như antimicrobial peptides (AMPs), antimicrobial lipids (AMLs) được sản xuất bởi các tuyến bã nhờn và các tế bào sừng, giúp ức chế một số loại vi khuẩn và tạo điều kiện cho các tế bào miễn dịch bẩm sinh tại da hoạt động tối ưu để chống lại vi khuẩn gây hại.
  • Hàng rào sinh học: Là hệ vi sinh thường trú trên da một cách cân bằng. Chúng sẽ chống lại các vi khuẩn gây bệnh bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch và bài tiết các chất để ức chế sự định cư và phát triển của các chủng vi sinh có hại.

Bất kì loại vi khuẩn nào tấn công cơ thể đều phải đối mặt với 3 lớp hàng rào kiên cố nói trên của đề kháng da. Vì thế, việc tăng cường sức đề kháng của da là cách đơn giản nhất để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất