Đâu là phương pháp giúp chẩn đoán nhồi máu cơ tim? • Hello Bacsi

Related Articles

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, xảy ra khi động mạch vành có chức năng vận chuyển máu chứa oxy đến nuôi tim bị tắc nghẽn. Nếu không được chẩn đoán nhồi máu cơ tim kịp thời, tình trạng của người bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Vậy làm thế nào để chẩn đoán nhồi máu cơ tim chính xác nhất? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu lời giải trong bài viết dưới đây để có cách điều trị và ngăn ngừa biến chứng có thể mắc phải hiệu quả hơn.

Làm thế nào để bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim?

Trước khi chẩn đoán nhồi máu cơ tim, các bác sĩ thường tiến hành kiểm tra lâm sàng các triệu chứng, tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Sau đó, bệnh nhân được yêu cầu làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp CT hoặc chụp MRI để ghi nhận thêm các bằng chứng khách quan.

Kiểm tra lâm sàng

Bác sĩ sẽ đặt những câu hỏi cụ thể về triệu chứng và tiền sử bệnh để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác cũng có biểu hiện tương tự. Theo đó, bác sĩ sẽ cần khai thác những thông tin sau để hỗ trợ chẩn đoán bệnh:

  • Cơn đau tim bắt đầu khi nào (sau khi gắng sức hay cả lúc nghỉ ngơi)
  • Vị trí chính xác, đặc điểm và mức độ nghiêm trọng của cơn đau (đau thắt ngực, đè nặng, bóp nghẹt sau xương ức hoặc đau ngực trái, lan lên cổ, hàm dưới, vai trái,…)
  • Các triệu chứng khác và đặc điểm
  • Tiền sử bệnh và các cuộc phẫu thuật trước đây
  • Các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thuốc kê toa và không kê toa

Tuy ít có giá trị xác định bệnh nhồi máu cơ tim, việc thăm khám lâm sàng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán phân biệt (phân biệt với các bệnh lý khác như viêm phế quản, viêm màng ngoài tim, viêm khớp ức sườn,…), đánh giá các yếu tố nguy cơ, biến chứng,…

Xét nghiệm chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số loại xét nghiệm hỗ trợ việc xác định bệnh nhồi máu cơ tim hoặc tìm ra những nguyên nhân khác gây đau tim, loại trừ chẩn đoán. Các xét nghiệm bao gồm:

Xét nghiệm máu

xét nghiệm máu chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Khi cơ tim bị tổn thương, đặc biệt khi lên cơn nhồi máu cơ tim, men tim – các enzyme, có bản chất là protein nằm trong tế bào cơ tim, được phóng thích vào trong máu. Trong vòng 2-3 giờ sau khi xuất hiện cơn đau ngực đúng do nhồi máu cơ tim, xét nghiệm máu có thể đo được nồng độ cao những chất này trong máu. Như vậy, bằng cách đo nồng độ của các men tim, đặc biệt là troponin, có thể giúp xác định chính xác bệnh nhồi máu cơ tim, đánh giá mức độ tổn thương của cơ tim và tiên lượng tình trạng của người bệnh.

Tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp đòi hỏi phải có mức troponin máu cao trên kết quả xét nghiệm máu và tăng động học khi xét nghiệm lặp lại sau 1 giờ – 3 giờ, kết hợp với ít nhất một trong hai điều kiện. Đó là có cơn đau thắt ngực điển hình do thiếu máu cục bộ hoặc có những thay đổi trên hình ảnh của điện tâm đồ, siêu âm tim phù hợp với nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng được thực hiện để đo nồng độ của các chất khác trong máu nhằm xác định chức năng gan, thận, các chất điện giải và quan trọng là chất béo trong máu (cholesterol và chất béo trung tính).

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ (viết tắt là ECG) là phương pháp theo dõi hoạt động, cũng như nhịp điệu của tim. Khi tim hoạt động, mỗi nhịp tim co bóp sẽ tạo ra các biến thiên của dòng điện. Lúc này, điện tâm đồ là một đường biểu diễn ghi nhận trên giấy, thể hiện các biến thiên do khả năng co bóp và hoạt động điện học của tim tạo ra.

Đây là phương pháp cận lâm sàng có giá trị cao trong phát hiện bệnh nhồi máu cơ tim cũng như tính sẵn có và dễ thực hiện. Tuy nhiên, kết quả điện tâm đồ có thể không đặc hiệu và khó phát hiện với trường hợp nhồi máu cơ tim do thiếu máu cục bộ mức độ nhẹ thoáng qua hay do khả năng tái tưới máu cơ tim nên có thể bỏ sót bệnh.

Chẩn đoán nhồi máu cơ tim bằng các công cụ kiểm tra hình ảnh học

Ngoài các xét nghiệm nêu trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các kiểm tra hình ảnh như siêu âm tim hoặc chụp động mạch vành để hỗ trợ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cũng như tìm các nguyên nhân khác gây ra cơn đau tim tương tự. Kết quả chụp được và các tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu cơ tim sẽ làm cơ sở để đưa ra kết luận bệnh hiện mắc và lên phác đồ điều trị phù hợp.

Siêu âm tim

Siêu âm với mục đích xác định vùng cơ tim thiếu máu và bị tổn thương. Hơn nữa, siêu âm tim còn giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh qua hình ảnh rối loạn vận động vùng liên quan đến vị trí nhồi máu tương ứng ghi nhận trên điện tâm đồ. Ngoài ra, công cụ này còn giúp theo dõi các biến chứng của nhồi máu cơ tim như huyết khối buồng tim, dịch màng tim,… Tương tự như vậy, siêu âm tim cũng hỗ trợ đánh giá chức năng, sự hoạt động của tim và những biến chứng khác do nhồi máu cơ tim gây ra như thủng vách tim, đứt dây chằng, hở van tim cấp,…

Siêu âm tim thường được chỉ định kết hợp với điện tâm đồ trong phát hiện và xác định nhồi máu cơ tim khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý này.

Chụp động mạch vành hỗ trợ chẩn đoán nhồi máu cơ tim

chụp động mạch vành giúp chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Phương pháp chụp động mạch vành là “tiêu chuẩn vàng” cho phép xác định chắc chắn bệnh nhồi máu cơ tim. Sau khi chụp mạch vành và phát hiện vùng tắc động mạch gây nhồi máu cơ tim, các bác sĩ sẽ tiến hành bơm bóng nong lòng mạch và đặt stent để duy trì khả năng tái thông dòng chảy mạch vành, cứu sống vùng cơ tim đang bị nhồi máu. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu và khá an toàn cho bệnh nhân.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT)

Bên cạnh phương pháp siêu âm tim, chụp MRI chụp CT cũng được sử dụng để chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim. Các xét nghiệm này tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan nội tạng và mô mềm của cơ thể. Chụp CT tim sử dụng tia X-quang trong khi chụp MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến giúp bác sĩ biết được cấu trúc tim và mức độ tổn thương trên mạch vành khi các cơn đau tim xảy ra.

Trong quá trình chụp MRI và chụp CT, bệnh nhân được tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch để mạch vành hiện rõ lên dưới màn hình; đồng thời, người bệnh cũng không cần gây mê. Tuy nhiên, đối với trẻ em hoặc người có chứng sợ không gian kín, bác sĩ sẽ cần tới thuốc an thần nhẹ. Đặc biệt, đối tượng phụ nữ trong độ tuổi có khả năng mang thai nên thử thai trước khi chụp CT để hạn chế bức xạ từ chụp CT có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi nếu có.

Lưu ý khi xét nghiệm xác định nhồi máu cơ tim cấp

Ngoài các xét nghiệm giúp chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp như đo điện tâm đồ, xét nghiệm máu và siêu âm tim cần thực hiện ngay, các xét nghiệm khác cũng nên được thực hiện trong vòng 24 giờ từ khi bệnh nhân nhập viện. Các xét nghiệm này kết hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu cơ tim giúp bệnh lý này nhanh chóng được phát hiện và điều trị phù hợp để hạn chế tốt nhất những biến chứng có thể mắc phải và cả tỷ lệ tử vong.

Trong các trường hợp cấp cứu, siêu âm tim và điện tâm đồ cho kết quả nhanh, giúp định hướng xử trí tức thời tốt hơn. Tuy nhiên, trong đánh giá chẩn đoán chuyên sâu các cơn nhồi máu cơ tim với động mạch thủ phạm, các xét nghiệm động học men tim và chụp động mạch vành được ưu tiên hơn. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân và điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở y tế hiện tại, bác sĩ sẽ lựa chọn các xét nghiệm phù hợp để đưa ra chẩn đoán nhồi máu cơ tim nhanh nhất với tính chính xác cao nhất có thể.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất