Cấy đờm là gì? Chỉ định, Quy trình thực hiện & Ý nghĩa • Hello Bacsi

Related Articles

Tìm hiểu chung

Đờm là gì?

Đờm (hay đàm) là chất nhầy được tiết ra từ các tế bào ở đường hô hấp dưới. Nó có thể chứa cả chất lạ được hít vào phổi, tế bào miễn dịch hay các tế bào bạch cầu. Chất nhầy này có tác dụng bẫy vật lạ để lông mao ở trong đường thở làm sạch và tống ra khỏi phổi. Bên cạnh đó, đờm cũng chứa các tế bào miễn dịch nhằm tiêu diệt vi khuẩn để chúng không thể tồn tại trong phổi và gây nhiễm trùng.

Trường hợp nhiễm trùng, trong đờm sẽ xuất hiện vi khuẩn. Khi bị ung thư phổi, chấn thương đường hô hấp, tổn thương đường thở hoặc phù phổi, người bệnh còn có máu trong đờm.

Cấy đờm là gì?

Cấy đờm là phương pháp phân tích đờm được thực hiện trong phòng thí nghiệm nhằm đánh giá tình trạng nhiễm trùng hoặc tìm kiếm dấu hiệu của ung thư. Một chất thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn sẽ được thêm vào mẫu đờm.

Nếu không có vi khuẩn, kết quả nuôi cấy là âm tính, ngược lại là dương tính. Loại vi khuẩn có thể được xác định bằng kính hiển vi hoặc xét nghiệm hóa học. Khi xác định được nguyên nhân gây ra những triệu chứng (xem phần tiếp theo) của người bệnh, bác sĩ sẽ có hướng điều trị tốt nhất. Cấy đờm có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định lựa chọn loại kháng sinh phù hợp.

Khi nào bạn cần thực hiện cấy đờm?

Cấy đờm được chỉ định trong các trường hợp viêm nhiễm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản cấp, các cơn cấp của viêm phế quản mạn tính, bệnh lao, áp xe phổi.

Ngoài ra khi gặp các triệu chứng sau, người bệnh cũng có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm cấy đờm:

  • Ho nhiều hay ho có máu
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Đau cơ
  • Khó thở
  • Tức ngực

Cần thực hiện cấy đờm ở giai đoạn sớm của bệnh càng tốt (ngay sau khi có chẩn đoán lâm sàng) và trước khi người bệnh dùng kháng sinh.

Điều cần thận trọng

Cấy đờm có nguy hiểm không?

Để thực hiện cấy đờm, bác sĩ sẽ cần thu thập mẫu đờm. Do đó, cổ họng có thể cảm thấy đau sau khi ho khạc, nội soi phế quản hoặc lấy mẫu đờm bằng ống thông mũi họng. Nếu bị hen suyễn nặng hoặc viêm phế quản, người bệnh có thể thấy khó thở trong quá trình lấy mẫu.

Trong trường hợp được dùng thuốc tê, người bệnh có thể cảm thấy như lưỡi và cổ họng bị sưng, khó nuốt. Nếu người bệnh vừa phẫu thuật ở ổ bụng, bác sĩ có thể hướng dẫn giảm thiểu sự khó chịu bằng cách đặt một chiếc gối lên trên bụng và giữ chặt. Nhìn chung, không có rủi ro đặc biệt nguy hiểm nào khi thực hiện cấy đờm. Người bệnh chỉ cần thư giãn, thả lỏng và hít thở đều.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất