Tìm hiểu các phương pháp điều trị viêm cột sống dính khớp • Hello Bacsi

Related Articles

Hiểu rõ từng phương pháp điều trị viêm cột sống dính khớp sẽ giúp người bệnh có ý thức hơn trong việc tuân thủ trị liệu để đem lại hiệu quả như mong muốn.

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý mạn tính và người bệnh sẽ cần phải học cách chung sống với bệnh lâu dài. Triệu chứng ban đầu thường là đau và cứng khớp ở lưng, hông và có xu hướng nặng dần theo thời gian.

Nếu trì hoãn hoặc không tuân thủ theo phác đồ điều trị viêm cột sống dính khớp, người bệnh có khả năng gặp phải những biến chứng như:

  • Dính khớp và dính cột sống gây gù lưng quá mức
  • Viêm dính khớp háng
  • Loãng xương, dễ bị gãy xương
  • Viêm ở các vị trí khác ngoài khớp (viêm điểm bám gân, viêm màng bồ đào, viêm ruột)
  • Suy giảm chức năng phổi hoặc tim

Ngược lại, khi điều trị sớm, các triệu chứng sẽ được kiểm soát tốt hơn, ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn tiến đến biến chứng. Hiệu quả điều trị viêm cột sống dính khớp tốt nhất khi bắt đầu sớm, trước khi bệnh gây tổn thương khớp vĩnh viễn.

Bệnh viêm cột sống dính khớp có chữa được không?

bệnh viêm cột sống dính khớp có chữa được không

Hiện nay, căn bệnh viêm cột sống dính khớp vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm hoàn toàn. Tuy vậy, người bệnh vẫn có nhiều lựa chọn điều trị để giảm nhẹ triệu chứng, ngăn chặn hoặc trì hoãn tiến triển bệnh.

Mục tiêu của điều trị viêm cột sống dính khớp là chống viêm, giảm đau, phòng chống cứng khớp, đặc biệt là tránh để cứng khớp ở tư thế xấu và khắc phục dính khớp (nếu có).

Tùy từng tình trạng ở mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp dựa vào các yếu tố như:

  • Mức độ hoạt động bệnh, triệu chứng tiên lượng
  • Biểu hiện hiện tại của bệnh (ở cột sống, khớp ngoài cột sống như khớp gối, khớp háng, khớp bàn tay, điểm bám gân…)
  • Biểu hiện ngoài khớp và các bệnh kèm theo (vảy nến, viêm màng bồ đào, viêm ruột mạn tính)
  • Trạng thái chung gồm tuổi tác, giới tính, bệnh kèm theo, thuốc kèm theo, yếu tố tâm lý.

Những lựa chọn trong điều trị viêm cột sống dính khớp

Nhìn chung, các phương pháp điều trị căn bệnh này bao gồm điều trị nội khoa, vật lý trị liệu/ điều trị không dùng thuốc và ngoại khoa (phẫu thuật) nếu cần.

1. Điều trị không dùng thuốc

Điều quan trọng trong quá trình điều trị bệnh lý này là người bệnh nên nâng cao kiến thức liên quan đến bệnh và có ý thức luyện tập phù hợp, đều đặn. Bạn có thể tập các động tác theo hướng dẫn tại nhà hoặc điều trị vật lý, có giám sát mức độ luyện tập.

Hãy luôn nhớ rằng việc duy trì vận động, tập luyện tích cực là một phần không thể thiếu trong suốt quãng thời gian sống chung với viêm cột sống dính khớp. Nó giúp cải thiện tư thế và phạm vi chuyển động của cột sống, đồng thời tránh để cột sống bị cứng và đau.

Bạn có thể quan tâm: Bài tập cho người bị đau lưng do viêm cột sống dính khớp.

2. Điều trị nội khoa

các thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp

Có rất nhiều nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị viêm cột sống dính khớp. Hiệu quả của các thuốc này ở từng bệnh nhân sẽ khác nhau và bác sĩ cơ xương khớp sẽ là người đưa ra chỉ định sau khi đánh giá nhiều yếu tố.

Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAID)

Đây là nhóm thuốc được lựa chọn đầu tiên trong phác đồ điều trị viêm cột sống dính khớp có đau và/ hoặc cứng khớp. Vì căn bệnh này liên quan đến tình trạng viêm mạn tính nên người bệnh thường cần dùng thuốc NSAID trong thời gian dài. Khi đó, hãy chú ý đến những tác dụng phụ xảy ra trên đường tiêu hóa, tim mạch, thận và thông báo ngay cho bác sĩ nếu chúng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể phối hợp thêm thuốc giảm đau đơn thuần, thuốc giãn cơ trong một số trường hợp.

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)

Trường hợp người bệnh viêm cột sống dính khớp có các biểu hiện đau và viêm ở các khớp ngoài cột sống, bác sĩ sẽ chỉ định dùng nhóm thuốc DMARD cổ điển. Chúng giúp giảm nhẹ triệu chứng tại các khớp ở hông, đầu gối, cổ chân hay tay.

Các ca bệnh ở thể cột sống đơn thuần không cần sử dụng nhóm thuốc này vì không cho thấy hiệu quả điều trị các triệu chứng bệnh viêm cột sống dính khớp ở cột sống và cổ.

Tiêm corticosteroid

Corticosteroid có hoạt tính kháng viêm mạnh và thường được dùng tiêm trực tiếp vào các vị trí viêm điểm bám gân hay khớp ngoài cột sống bị viêm kéo dài. Nếu tiêm vào khớp háng thì thường thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm.

Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên lựa chọn tiêm corticosteroid được hạn chế hết mức, thường không quá 3 lần/ năm. Bên cạnh đó, quá trình điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp cũng không khuyến cáo dùng corticosteroid toàn thân.

Thuốc sinh học

Khi các thuốc chỉ định ban đầu (NSAID, DMARD) không mang lại hiệu quả như mong muốn trong điều trị viêm cột sống dính khớp thì bác sĩ sẽ chuyển sang chỉ định thuốc sinh học. Nhóm thuốc này tác động với cơ chế nhắm trúng mục tiêu là các protein cụ thể tham gia vào quá trình gây viêm.

Thuốc sinh học dùng trong điều trị viêm cột sống dính khớp bao gồm 2 nhóm:

  • Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF-alpha inhibitors)
  • Thuốc ức chế interleukin 17 (IL-17)

Đường dùng của các thuốc sinh học là tiêm dưới da hoặc truyền tĩnh mạch. Người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng giảm bớt nhanh ngay trong 1 tuần hoặc lâu hơn khoảng 12 tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc. Sau đó, các triệu chứng vẫn tiếp tục được cải thiện trong nhiều tháng tiếp theo. Để đánh giá đầy đủ được tác dụng của một thuốc sinh học thường mất từ 3–6 tháng.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng trong điều trị viêm cột sống dính khớp, cho những trường hợp bị tổn thương nặng ở khớp háng hay cấu trúc cột sống.

Người bệnh bị hạn chế vận động, đau kéo dài và cấu trúc khớp bị phá hủy nhìn thấy rõ trên X-quang thường được chỉ định thay khớp háng. Một số ca có cột sống biến dạng thì sẽ trải qua quá trình phẫu thuật chỉnh hình cột sống.

Tuy nhiên, các cuộc phẫu thuật đều tiềm ẩn những rủi ro và hệ lụy nhất định. Vậy nên, tốt hơn hết là bạn nên tuân thủ điều trị tích cực để làm chậm tiến triển bệnh, bảo tồn cấu trúc cột sống và khớp háng.

Làm sao đánh giá hiệu quả điều trị viêm cột sống dính khớp?

viêm cột sống dính khớp

Đối với các bệnh lý mạn tính nói chung hay viêm cột sống dính khớp nói riêng, việc đánh giá hiệu quả của phương thức điều trị hiện tại là điều vô cùng cần thiết. Mặc dù bạn cần kiên trì tập luyện đều đặn và dùng thuốc đúng liều nhưng không có nghĩa cứ như vậy sẽ kiểm soát tốt bệnh tình.

Hàng tháng, người bệnh viêm cột sống đều cần đến tái khám để được theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh cũng như hiệu quả của thuốc điều trị đang dùng. Bác sĩ sẽ theo dõi các chỉ số lâm sàng như số khớp sưng, số khớp đau, mức độ đau và hạn chế vận động của khớp, cột sống… Ngoài ra, tùy theo loại thuốc điều trị đang dùng mà bạn cần làm thêm một số xét nghiệm máu để xem thuốc có gây ra tác động không mong muốn cho cơ thể hay không.

Đồng thời, để đánh giá mức độ hoạt động của bệnh viêm cột sống dính khớp, bác sĩ thường sử dụng thang điểm BASDAI hoặc chỉ số ASDAS. Kết quả thu được sẽ phản ánh bệnh đang hoạt động ở mức độ nhẹ, trung bình hay nặng, góp phần vào quyết định có cần điều chỉnh liều thuốc hay thay đổi thuốc điều trị khác hay không.

Nói tóm lại, bạn hãy cố gắng tuân thủ theo phác đồ điều trị viêm cột sống dính khớp của bác sĩ để có được tiên lượng tốt hơn. Đừng trì hoãn hay nản lòng trong suốt quá trình “chiến đấu” với căn bệnh này nhé!

Bạn có thể quan tâm: Bí quyết sống khỏe mạnh cùng bệnh viêm cột sống dính khớp.

Nội dung được tham vấn y khoa bởi Liên Chi Hội Thấp Khớp Học TP. Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Novartis Việt Nam.

VN2204193814

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất