Tai chảy mủ có nguy hiểm không? Điều trị và chăm sóc tại nhà thế nào cho đúng?

Related Articles

Khi có dịch chảy ra từ ống tai hoặc thấy ống tai luôn ướt, có mùi hôi. Người lớn thì có thể tự phát hiện những bất thường trên cơ thể, nhất là ở những vùng nhạy cảm thuộc về các giác quan trên vùng mặt. Còn ở trẻ nhỏ, những triệu chứng ban đầu của viêm tai giữa sẽ rất kín đáo vì bé chưa có khả năng diễn đạt. Cho nên cha mẹ cần phải để ý đến những bất thường trong biểu hiện ở trẻ qua các biểu cảm khó chịu và hành vi “kỳ lạ”:

  • Quấy khóc, khó chịu, bỏ chơi và ngủ không yên
  • Thường đưa tay lên vùng tai, cào móc hoặc nắm vành tai
  • Có nóng hoặc sốt
  • Chảy dịch ra cửa tai (thường thấy khi ổ mủ làm thủng màng nhĩ và chảy tràn ra ống tai. Lúc này bé đã hết sốt và không còn khó chịu nhiều nữa).

Nhiễm trùng tai ở trẻ là tình trạng không hiếm gặp, tuy nhiên, nếu “lơ là” bỏ qua mà không có thăm khám để điều trị nguyên nhân một cách triệt để thì nguy cơ bệnh không lành, diễn biến mạn tính hay tái diễn… sẽ làm hư hại sức nghe của trẻ, khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và giao tiếp. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể biến chứng lên trên sọ não, đe dọa tính mạng.

Tai chảy mủ: Cần điều trị thế nào cho đúng?

Viêm tai giữa được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chảy mủ tai ở cả người lớn và trẻ em. Kiểm soát triệu chứng và giải quyết các tác nhân gây viêm nhiễm là hai mục tiêu chính trong chữa trị nguyên nhân gây ra chảy mủ tai, bao gồm:

1. Thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn

Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và trẻ lớn hơn đều có thể sử dụng acetaminophen hay ibuprofen để làm giảm triệu chứng sốt và đau khi bị viêm tai. Lưu ý, tránh dùng aspirin cho trẻ em vì có thể gây ra hội chứng Reye ở trẻ, ảnh hưởng không tốt lên gan và não.

2. Liệu pháp kháng sinh

Chỉ dùng khi các bác sĩ xác định tình trạng viêm hiện tại là do vi khuẩn. Đa số các trường hợp viêm tai giữa có xuất phát điểm là do nhiễm siêu vi đường mũi họng. Những tình trạng “cảm cúm” thông thường này sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nếu không khỏi mà diễn biến tăng nặng thì tức là đã chuyển qua giai đoạn viêm bội nhiễm vi khuẩn với biểu hiện dịch mũi đục, vàng, xanh. Trong tai giữa cũng vậy, viêm do vi khuẩn bội nhiễm sẽ gây tụ mủ và phá thủng màng nhĩ để chảy ra ngoài. Việc chỉ định đúng thời điểm phải dùng kháng sinh, nếu có, sẽ giúp tránh lạm dụng kháng sinh không cần thiết, tránh được hiện tượng kháng thuốc đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi khi được chẩn đoán chảy mủ tai do viêm tai giữa cấp thì cần được xem xét điều trị sớm với kháng sinh để tránh biến chứng.

Dùng kháng sinh có thể bằng đường uống hoặc nhỏ trực tiếp vào tai bị viêm nhiễm. Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định cách dùng. Lưu ý: Các loại thuốc kháng sinh nhỏ tai đều có những chỉ định nghiêm ngặt. Một vài loại rất độc với cơ quan nghe ở tai trong nếu nó lọt qua lỗ thủng ở màng nhĩ, cho nên, nếu không muốn bị “điếc oan” thì cần tuân thủ theo bác sĩ và theo hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất, không “tự mua, tự xài” một cách chủ quan.

3. Thủ thuật dẫn lưu dịch, mủ

Khi tai giữa bị viêm sẽ có dịch hoặc mủ. Nếu cơ thể “mạnh”, được điều trị kịp thời và hiệu quả thì bệnh sẽ thoái lui và dịch mủ sẽ bị hấp thu, tai sẽ thông thoáng bình thường trở lại. Nếu sức đề kháng kém, không được điều trị triệt để, dịch sẽ tích tụ và tồn tại lâu dài, tổn hại cơ quan dẫn truyền âm thanh. Trường hợp màng nhĩ “tự vỡ” để giải phóng dịch thì sẽ để lại dấu tích là một lỗ thủng tròn. Lỗ thủng này có thể tự lành hoặc không. Trong giai đoạn chưa muộn, tức màng nhĩ chưa thủng hoặc đã thủng rồi mà chưa đủ rộng để dẫn lưu dịch mủ thì bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật rạch màng nhĩ chủ động, có “quy hoạch” để tạo dẫn lưu cho dễ dàng hơn. Tùy đánh giá và theo dõi, bác sĩ có thể gợi ý đặt một “cái cống” để giữ cho cái miệng lỗ thủng đủ rộng trong một thời gian, tránh lỗ thủng bị hẹp lại tự nhiên, nhằm dẫn lưu triệt để dịch, phục hồi cho tai bệnh. Sau khi mục đích điều trị đã đạt được, cái “cống” này sẽ được lấy bỏ và màng nhĩ sẽ tự lành lại.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất