Người cao tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19: Những lưu ý cần biết!

Related Articles

Ảnh tác giảbadge

Nếu gia đình bạn có người cao tuổi, hẳn bạn đang rất băn khoăn về việc người cao tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19 có nên hay không? Lợi ích giữa việc chủng ngừa hay không chủng ngừa là gì? Mời bạn cùng theo dõi những chia sẻ của Ths – BS – Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân trong bài viết sau!

Chúng ta có thể mang tâm lý lo ngại rằng việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể gây ra những biến cố sức khỏe bất lợi nên còn do dự trong việc quyết định tiêm ngừa. Hoàn toàn trái ngược với lo sợ của chúng ta, các bằng chứng khoa học đã chứng minh việc tiêm vắc xin COVID-19 mang lại lợi ích bảo vệ rất lớn đối với người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền trong khi nguy cơ gặp các biến cố bất lợi nặng liên quan tiêm chủng lại rất hiếm khi xảy ra.

Người cao tuổi mắc COVID-19 có nguy cơ đối mặt những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào?

Người cao tuổi là những đối tượng dễ tổn thương nhất khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Một khi bị nhiễm, họ có nguy cơ cao phải nhập viện, dễ diễn tiến nặng và nguy cơ tử vong cao hơn nhiều lần so với người trẻ. Khi bị nhiễm virus gây bệnh, người cao tuổi sẽ phải đối diện với các vấn đề sau:

  • Nhập viện: Tỷ lệ nhập viện ở người cao tuổi nhiễm virus gây bệnh COVID-19 là 80%. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cứ 10 người cao tuổi mắc bệnh thì có 8 người phải nhập viện.
  • Diễn tiến nặng: Người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, bệnh phổi… là đối tượng nguy cơ cao sẽ diễn tiến bệnh nặng. Cụ thể, 50% người cao tuổi mắc COVID-19 sẽ diễn tiến nặng, phải thở máy và điều trị tại khoa hồi sức tích cực.
  • Tỷ lệ tử vong cao: Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi nhiễm COVID-19 là 10%, trong khi con số này ở người trẻ là < 1%. Tại Việt Nam, 2/3 số ca tử vong được báo cáo là ở người cao tuổi (≥ 60 tuổi) hoặc có bệnh lý mạn tính. Theo số liệu thống kê ở Trung Quốc, trong đợt dịch vừa qua 80% các ca tử vong là ở người ≥ 60 tuổi. Điều này cũng tương tự ở Mỹ, người ≥ 65 tuổi chiếm 80% các ca tử vong do COVID-19.

Người cao tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19: Những lợi ích thiết thực

người cao tuổi tiêm vắc xon phòng Covid-19

Đối với người lớn, đặc biệt là đối tượng cao tuổi, vắc xin chủng ngừa COVID-19 đem lại hiệu quả trong bảo vệ trước bệnh lý này, đặc biệt trong việc ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và tử vong. Vắc xin không bảo vệ chúng ta 100% khỏi nguy cơ mắc bệnh, nhưng khi bị nhiễm, vắc xin giúp chúng ta giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong. Do đó, lợi ích mà vắc xin mang lại lớn hơn rất nhiều lần so với nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ khi tiêm.

  • Tiêm đủ 2 liều vắc xin Astra Zenaca có hiệu quả bảo vệ 92% đối với nhập viện và tử vong do biến chủng Delta.
  • Hiệu quả bảo vệ của vắc xin Pfizer là 95% và Moderna là 94,1%
  • Theo số liệu báo cáo, vắc xin Spunik cũng đạt hiệu quả bảo vệ > 90%.

Người cao tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19: Những phản ứng không mong muốn và hướng xử trí

người cao tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19

Khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, người cao tuổi có thể gặp một số tác dụng phụ. Tuy nhiên, các thống kê cho thấy người cao tuổi thường ít bị tác dụng phụ và chỉ bị ở mức độ nhẹ hơn so với người trẻ. Các phản ứng sau tiêm là khác nhau giữa các cá thể. Vì vậy, có thể có người gặp tác dụng phụ nhưng có trường hợp hoàn toàn không có. Sau tiêm chủng, người cao tuổi có thể gặp một số biểu hiện sau:

Các phản ứng tại chỗ thường gặp:

  • Đau
  • Sưng nhẹ
  • Đỏ da

Các biểu hiện này thường xuất hiện từ 6 – 24 giờ sau tiêm, ở mức độ nhẹ đến trung bình. Các triệu chứng này sẽ hết sau 1 – 2 ngày.

Cách xử lý: cử động hoặc tập thể dục tay, không đắp hay thoa bất cứ thuốc gì vào vùng này.

Các phản ứng toàn thân thường gặp:

  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Đau cơ
  • Ớn lạnh
  • Sốt, thường sốt nhẹ 38-38,50C
  • Đau khớp
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy: thường nhẹ

Các biểu hiện này có thể xuất hiện từ 6 – 48 giờ sau tiêm. Các triệu chứng này thường biến mất sau 1 – 2 ngày.

Cách xử trí: Nghỉ ngơi, uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát. Nếu các triệu chứng đau, sốt gây khó chịu có thể dùng thuốc giảm đau hay hạ sốt theo hướng dẫn bác sĩ.

Các biến cố nặng rất hiếm gặp:

Các biến cố này rất hiếm khi xảy ra, tỉ lệ < 1/10.000 người tiêm.

  • Phản ứng phản vệ: tỉ lệ chung gặp biến cố này đối với vắc xin Pfizer, Moderna và Astra Zeneca lần lượt là 11 ca/1 triệu liều, 2,5 ca/1 triệu liều và 17,5 ca/1 triệu liều. Tuy nhiên biến cố này ghi nhận chủ yếu ở nữ, trẻ, có tiền căn dị ứng hoặc sốc phản vệ, hiếm gặp hơn ở người cao tuổi. Các biểu hiện có thể từ nhẹ đến nặng như nổi mề đay, phù mặt, môi, lưỡi đến khò khè, khó thở, tụt huyết áp. Biến cố này thường xảy ra trong vòng 30 phút đầu sau tiêm. Vì vậy, người được tiêm phải ở tại điểm tiêm theo dõi ít nhất 30 và có bác sĩ thăm khám xử trí kịp thời.
  • Hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu: ghi nhận ở nhóm vắc xin véc tơ virus. Tỉ lệ gặp biến cố này là 3,6 ca/1 triệu liều đối với vắc xin Astra Zeneca và 0,9 ca/1 triệu liều đối với vắc xin Johnson & Johnson. Biến cố này ghi nhận chủ yếu ở nữ, < 50 tuổi, đối với người cao tuổi càng hiếm hơn. Thời gian xuất hiện từ 4 – 42 ngày sau tiêm. Các biểu hiện có thể gặp: đau đầu dữ dội, nhìn mờ, đau ngực, khó thở, đau và phù chân, đau bụng kéo dài kèm buồn nôn, chấm xuất huyết hoặc dễ bầm máu. Nếu xuất hiện một trong các triệu chứng này nên đi khám ngay. Tuy nhiên, tỉ lệ biến cố này rất thấp so với nguy cơ chúng ta mắc huyết khối do bệnh COVID-19 (16%).
  • Viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tiêm: ghi nhận ở nhóm vắc xin mRNA (vắc xin Pfizer và Moderna). Tỉ lệ gặp biến cố này ở người cao tuổi là 1,3 ca/1 triệu liều. Biến cố này ghi nhận chủ yếu ở nam thiếu niên, có thể gặp trong 3 tuần đầu sau tiêm, ghi nhận chủ yếu ở mũi tiêm thứ 2. Các biểu hiện có thể gặp: đau ngực, khó thở, hồi hộp. Nếu gặp các biểu hiện này thì nên đi đến cơ sở y tế khám ngay.

Người cao tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19: Những lưu ý xoay quanh việc chủng ngừa

người cao tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19

Trước khi tiêm chủng, người cao tuổi sẽ được bác sĩ khám sàng lọc, nếu đủ điều kiện tiêm chủng như không có bệnh lý cấp tính, các bệnh mạn tính điều trị ổn định.

1. Người cao tuổi cần chuẩn bị gì trước khi tiêm chủng?

Trước khi đi tiêm chủng, người cao tuổi cần:

  • Giữ tinh thần thoải mái
  • Không nên nhịn đói trước khi tiêm chủng
  • Nếu đang dùng thuốc điều trị ổn định các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch… thì tiếp tục dùng thuốc điều trị như hàng ngày, không nên ngưng thuốc trước hay sau tiêm chủng
  • Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào nên khai báo với bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm.
  • Không nên dùng thuốc giảm đau, hạ sốt trước khi tiêm chủng để phòng ngừa tác dụng phụ của vắc xin.

2. Người cao tuổi cần làm gì sau tiêm chủng?

Sau khi tiêm, người cao tuổi cần:

  • Ở lại điểm tiêm ít nhất 30 để theo dõi
  • Theo dõi các triệu chứng của tác dụng phụ tại chỗ và toàn thân thường gặp khi về nhà
  • Báo cáo các tác dụng phụ trong 1 tuần sau tiêm theo hướng dẫn của nhân viên y tế
  • Rất hiếm khi xảy ra biến cố nặng như huyết khối giảm tiểu cầu hay viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim. Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, nên báo ngay cho nhân viên y tế hoặc đi khám.

Tóm lại, vắc xin phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả ở người cao tuổi, mang lại lợi ích rất lớn so với nguy cơ khi chủng ngừa, là biện pháp hiệu quả giúp giảm bệnh nặng và tử vong do COVID-19. Do đó, việc người cao tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19 là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân trước đại dịch như hiện nay.


Học hỏi thêm cách bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình trong mùa dịch.

Cơ hội kết nối trực tiếp với bác sĩ và trao đổi kinh nghiệm hồi phục từ COVID-19 cùng các thành viên khác. Click tham gia ngay!


Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất