Giãn đồng tử xảy ra khi nào và có nguy hiểm không? • Hello Bacsi

Related Articles

Hầu hết trường hợp, giãn đồng tử là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể cảnh báo về một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Vậy đồng tử giãn là gì? Đồng tử giãn ra khi nào? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

Tìm hiểu chung

Giãn đồng tử là gì?

Nhiều người thắc mắc giãn đồng tử là như thế nào? Đồng tử mắt là lỗ đen ở trung tâm mống mắt. Chúng tập trung ánh sáng và mang nó đến võng mạc để tạo thành hình ảnh. Vậy đồng tử giãn ra khi nào? Thông thường, đồng tử mắt giãn ra để đáp ứng với ánh sáng yếu nhằm mục đích thu thập nhiều ánh sáng hơn. Còn trong điều kiện có ánh sáng chói, đồng tử thường co lại (nhỏ lại) nhằm không để quá nhiều ánh sáng đi vào mắt.

Mặc dù vậy, đôi khi đồng tử mắt cũng có thể giãn ngay cả khi bạn đang ở nơi có nhiều ánh sáng. Tình trạng này được gọi là giãn đồng tử. Trái ngược với tình trạng này là co đồng tử.

Ngoài ra, giãn đồng tử là do giãn nở của các đồng tử, có thể là do nguyên nhân phi sinh lý, hoặc do phản ứng đồng tử có tính sinh lý. Các nguyên nhân phi sinh lý của bệnh này bao gồm bệnh, chấn thương hoặc dùng chất gây nghiện.

Triệu chứng

Triệu chứng và dấu hiệu giãn đồng tử là gì?

dấu hiệu giãn đồng tử

Dấu hiệu đặc trưng của vấn đề sức khỏe này là đồng tử không co giãn để đáp ứng với điều kiện ánh sáng xung quanh.

Ngoài ra, đồng tử giãn ra sẽ làm mắt trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng. Điều này có thể khiến người bệnh nhìn mờ, cũng như trong một số trường hợp, có cảm giác co thắt quanh trán và mắt.

Bạn cũng có thể bị đau đầu chóng mặt, kích ứng mắt và khó ngủ.

Nếu bạn cảm thấy khó di chuyển mắt và mí mắt, nguyên nhân đồng tử giãn có thể do đau dây thần kinh thứ ba.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu cảm thấy mắt nhạy cảm với ánh sáng hoặc mắt mờ không rõ lí do, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Đặc biệt, nếu những triệu chứng trên xảy ra sau khi bạn bị chấn thương mắt hoặc đầu, hãy lập tức gọi cấp cứu. Bạn có nhiều khả năng đang bị giãn đồng tử sau chấn thương.

>>> Bạn có thể quan tâm: Bệnh đau mắt đỏ: Triệu chứng và cách điều trị

Nguyên nhân

Nguyên nhân giãn đồng tử là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến đồng tử mắt giãn ra. Sau đây là các nguyên nhân phổ biến nhất:

Thuốc

Một số thuốc kê đơn và không kê đơn có thể gây tác dụng phụ khiến đồng tử mắt co giãn, từ đó làm mắt nhạy cảm với ánh sáng. Chúng thường gồm:

  • Thuốc kháng histamine
  • Thuốc thông mũi
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Thuốc chữa say tàu xe
  • Thuốc chống buồn nôn
  • Thuốc chống động kinh
  • Thuốc trị bệnh Parkinson
  • Botox và các loại thuốc khác có chứa độc tố botulinum
  • Atropine

Chấn thương mắt

Các chấn thương ở mắt nghiêm trọng có thể gây tổn thương mống mắt và khiến đồng tử biến dạng.

Đôi khi, bạn cũng có thể bị chấn thương mắt trong quá trình phẫu thuật, như mổ đục thủy tinh thể hoặc ghép giác mạc.

Chấn thương hoặc các bệnh về não

Chấn thương đầu, đột quỵ hoặc u não có thể ảnh hưởng khả năng mắt nhạy cảm với ánh sáng, khiến đồng tử ở một hoặc hai bên mắt giãn ra.

Áp lực tích tụ trong não sau các tình trạng trên có thể làm tổn thương các cơ trong mống mắt có nhiệm vụ giúp đồng tử co giãn. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Sử dụng các thuốc gây nghiện

thuốc gây nghiện

Mặc dù sử dụng các thuốc gây nghiện là phạm pháp, nhưng vẫn có một số người sử dụng các thuốc này. Việc sử dụng hoặc thậm chí là cai thuốc gây nghiện đều có nguy cơ làm giãn đồng tử mắt. Không những vậy, khả năng phản ứng với ánh sáng của mắt cũng giảm đi đáng kể.

Giãn đồng tử một bên từng đợt lành tính

Đây là một tình trạng vô hại và thường đi kèm với các triệu chứng như mờ mắt, đau đầu và đau mắt.

Những phụ nữ trẻ mắc chứng đau nửa đầu dường như có nguy cơ cao nhất mắc phải giãn đồng tử một bên từng đợt. Nếu điều trị chứng đau nửa đầu, đồng tử sẽ trở lại kích thước và hoạt động bình thường mà không cần điều trị.

Đồng tử Adie

Đồng tử Adie là một rối loạn thần kinh hiếm gặp xảy ra khi đồng tử lớn hơn bình thường và chậm phản ứng với ánh sáng hoặc không co giãn gì cả.

Đồng tử bất thường có thể đi kèm với phản xạ gân kém. Thực tế, các chuyên gia không rõ nguyên nhân gây ra đồng tử Adie, nhưng trong một số trường hợp có thể liên quan đến chấn thương, phẫu thuật, tuần hoàn máu kém hoặc nhiễm trùng.

Không có cách chữa trị cho căn bệnh đồng tử Adie.

Dị tật mống mắt bẩm sinh

Dị tật mống mắt là tình trạng khiếm khuyết mống mắt một phần hoặc hoàn toàn, khiến đồng tử mắt giãn nở đáng kể.

Dị tật mống mắt thường ảnh hưởng cả hai mắt và đi kèm với các vấn đề mắt nghiêm trọng, như đục thủy tinh thể bẩm sinh, tăng nhãn áp, các dây thần kinh võng mạc và thị giác không phát triển hoàn chỉnh, rung giật nhãn cầu và giảm thị lực. Những người bị dị tật mống mắt thường rất nhạy cảm với ánh sáng do không có hoặc có rất ít mống mắt để điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt.

>>> Bạn có thể quan tâm: 10 Cách bảo vệ mắt khi dùng máy tính nhiều bạn cần biết

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán giãn đồng tử?

kiểm tra mắt

Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng và bệnh sử của bạn. Họ cũng sẽ hỏi về các loại thuốc bạn đang sử dụng và các chấn thương đầu hoặc mắt bạn gặp gần đây.

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tầm nhìn của bạn thông qua kiểm tra thị lực và chuyển động mắt để xem các cơ mắt có bình thường không.

Ngoài ra, bạn cũng cần làm xét nghiệm máu để loại trừ các tình trạng sức khỏe khác.

Những phương pháp nào giúp điều trị giãn đồng tử?

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Việc chữa trị mắt giãn đồng tử nhằm mục đích cố gắng bảo vệ toàn bộ chức năng của mắt.

Ví dụ như, nếu nguyên nhân bắt nguồn từ việc dụng thuốc, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên chờ tác dụng của thuốc hết và tránh dùng các thuốc này trong tương lai.

Khi giãn đồng tử gây ra bởi chấn thương não và mắt, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị mạnh hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để sửa chữa những tổn thương gây ra cho dây thần kinh hoặc cấu trúc mắt. Lúc này, bạn cần phải băng mắt cho đến khi mắt lành lại.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định liều thấp của một thuốc điều trị tăng nhãn áp để giúp thu hẹp đồng tử.

>>> Bạn có thể quan tâm: Cảnh báo các triệu chứng tăng nhãn áp nguy hiểm, đừng nên bỏ qua!

Kiểm soát giãn đồng tử

Những biện pháp nào giúp bạn kiểm soát bệnh?

Trong nhiều trường hợp bệnh xảy ra do thuốc, đồng tử có thể tự thu hẹp lại như bình thường trong vài giờ hoặc vài ngày. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên hạn chế hoặc tránh dùng các thuốc đó trong tương lai. Hãy thảo luận với bác sĩ để tìm kiếm một phương pháp điều trị thay thế.

tham vấn cùng bác sĩ

Phần lớn trường hợp, người gặp phải vấn đề sức khỏe này sẽ rất nhạy cảm với ánh sáng. Do đó, tốt nhất là bạn nên đeo kính râm khi ra ngoài và tránh xa những nơi có ánh đèn sáng. Ngoài ra, lúc này tầm nhìn của mắt cũng sẽ thay đổi. Do đó, bạn nên tạm thời hạn chế lái xe trong thời gian này.

Tóm lại, nguyên nhân giãn đồng tử có thể đến từ phản xạ sinh lý bình thường dưới tác động môi trường. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện chấn thương, bệnh lý thần kinh hay tác dụng phụ của thuốc. Vì thế, khi thấy mắt mờ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể kèm theo đau đầu, chóng mặt thì người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và nhận các biện pháp can thiệp phù hợp.

Bài viết trên đây đã giúp bạn tìm hiểu giãn đồng tử là gì, các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị dựa theo từng nguyên nhân cụ thể. Hy vọng rằng qua đây sẽ giúp bạn đưa quyết định và cân nhắc xem có nên đi thăm khám bác sĩ nếu gặp phải tình trạng trên. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc phải các dấu hiệu hoặc có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy sắp xếp ngay một cuộc hẹn gặp với bác sĩ nhãn khoa. Bác sĩ sẽ giúp bạn chẩn đoán các vấn đề về mắt mà bạn đang gặp phải, từ đó, đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất