Dự phòng sau phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus ARV • Hello Bacsi

Related Articles

Ở xã hội hiện đại, HIV/AIDS không còn là vấn đề mới lạ. Ngoài các biện pháp phòng ngừa, bạn cũng cần nắm được cách điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV để kịp thời ngăn chặn những hậu quả có thể xảy ra.

Uống thuốc phơi nhiễm HIV ở giai đoạn sớm sau khi có nguy cơ tiếp xúc với virus chính là biện pháp điều trị dự phòng mà Hello Bacsi giới thiệu đến bạn đọc trong bài viết sau.

Hiểu đúng về phơi nhiễm HIV

dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP)

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y Tế, phơi nhiễm với HIV là trường hợp có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi nhiễm HIV, từ đó dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Phơi nhiễm HIV được chia làm 2 loại:

  • Phơi nhiễm nghề nghiệp: Các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với máu và dịch tiết từ người khác
  • Phơi nhiễm ngoài môi trường nghề nghiệp (tại cộng đồng): chẳng hạn như đạp phải kim tiêm, vật sắc nhọn, dùng chung kim tiêm nghi có dính máu, dịch của người bệnh HIV…

Cần nhận thức được rằng phơi nhiễm HIV không có nghĩa là sẽ mắc HIV. Trong thời gian nghi ngờ phơi nhiễm, hãy bình tĩnh và nhanh chóng sắp xếp điều trị dự phòng ngay.

Dự phòng sau phơi nhiễm HIV là gì?

PEP là gì?

Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) là sử dụng thuốc phơi nhiễm HIV – thuốc kháng virus ARV để ngăn ngừa nhiễm virus này sau khi thực hiện hành động tiềm ẩn nguy cơ. Sau khi phơi nhiễm HIV, virus không ảnh hưởng ngay lập tức toàn hệ thống mà sẽ có một khoảng thời gian trì hoãn khoảng 2-3 ngày trước khi xuất hiện trong máu. Trong giai đoạn “cửa sổ cơ hội” này, thuốc kháng virus có thể phòng ngừa nhiễm HIV bằng cách khống chế sự nhân lên của virus, cô lập và đào thải những tế bào đã bị nhiễm HIV ra khỏi cơ thể.

Một số đối tượng cần nhanh chóng thực hiện dự phòng sau phơi nhiễm là:

  • Quan hệ tình dục không an toàn với đối tượng nghi nhiễm HIV
  • Dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc các thiết bị khác để tiêm chích ma túy
  • Bị tấn công tình dục

Theo Quyết định 5418/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 01/12/2017, điều trị bằng ARV cho tất cả người nhiễm HIV không phụ thuộc giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4. Việt Nam còn áp dụng mô hình xét nghiệm và điều trị, theo đó chỉ định điều trị ARV được mở rộng cho tất cả người nhiễm.

Thời gian dự phòng lây nhiễm HIV tốt nhất là trong thời gian nào?

Bạn cần bắt đầu uống thuốc phơi nhiễm HIV càng sớm càng tốt vì tỉ lệ hiệu quả của thuốc có thể sụt giảm theo từng giờ (trong vòng 72 giờ là tốt nhất). Duy trì uống thuốc kháng virus hàng ngày trong 28 ngày, ngưng thuốc khi xác định nguồn phơi nhiễm âm tính với HIV.

Lưu ý khi dùng thuốc phơi nhiễm HIV

lưu ý khi dùng thuốc phơi nhiễm HIV

Thuốc phơi nhiễm HIV không thể thay thế cho việc phòng ngừa HIV bằng các biện pháp an toàn khác nên bạn vẫn cần sử dụng bao cao su, kim tiêm vô trùng,… trong giai đoạn PEP. PEP cũng không phải là sự lựa chọn phù hợp cho người có thể thường xuyên tiếp xúc với HIV. Sau khi được chỉ định uống thuốc phơi nhiễm HIV (không tự ý mua thuốc), bạn cần tái xét nghiệm sau phơi nhiễm 1-3-6 tháng.

Không điều trị dự phòng bằng thuốc phơi nhiễm HIV ARV sau phơi nhiễm cho các trường hợp:

  • Người bị phơi nhiễm đã có kết quả nhiễm HIV
  • Kết quả xét nghiệm HIV cho nguồn gây phơi nhiễm khẳng định âm tính
  • Phơi nhiễm với các dịch cơ thể không có nguy cơ lây nhiễm đáng kể như nước mắt, dịch nước bọt không dính máu, nước tiểu và mồ hôi
  • Người phơi nhiễm liên tục với HIV như quan hệ tình dục thường xuyên với người nhiễm HIV hoặc gái mại dâm nhưng không bảo đảm quan hệ an toàn (sử dụng bao cao su), người nghiện chích ma tuý thường xuyên sử dụng chung bơm kim tiêm.

Nhiều bằng chứng khoa học trong những năm gần đây cũng cho thấy hiệu quả dự phòng sau phơi nhiễm HIV bằng ARV. Việc điều trị, khống chế tốt tải lượng virus HIV trong máu sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác.

Tác dụng phụ của thuốc phơi nhiễm HIV

tác dụng phụ của thuốc phơi nhiễm HIV

Một số người thực hiện PEP có thể gặp tác dụng phụ của thuốc phơi nhiễm HIV như buồn nôn, nôn. Trong hầu hết trường hợp, các tác dụng phụ của thuốc này có thể điều trị được và không đe dọa đến tính mạng.

Thuốc phơi nhiễm HIV cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác, do đó bạn nên thông báo cho nhân viên y tế về những loại thuốc đang dùng để được tư vấn thêm.

Nhìn chung, hãy luôn luôn thực hành các biện pháp an toàn để tránh phơi nhiễm HIV, kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm cũng như chia sẻ kiến thức phòng bệnh cho người thân, nâng cao nhận thức cộng đồng về HIV/AIDS.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất