Dạy con kỹ năng thoát hiểm để tự cứu bản thân • Hello Bacsi

Related Articles

Đứa trẻ của chúng ta được sinh ra và lớn lên trong biết bao tình yêu và hy vọng. Khi có một sự việc đáng tiếc nào đó xảy ra gây nguy hại đến sự an toàn của bé, có nhiều phụ huynh tự trách mình rằng tại sao chúng ta không cố gắng trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để con có thể tự cứu mình trước khi được người khác ứng cứu.

Có thể có nhiều phụ huynh nghĩ rằng tuổi con mình còn rất nhỏ, không thể tiếp thu những thông tin về kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy, kỹ năng thoát hiểm khi mắc kẹt trong xe ô tô hoặc những tai nạn khác, nhưng trên thực tế lại khác. Khi bạn cho con tiếp xúc với những tình huống giả định càng sớm, tư duy và kỹ năng bảo vệ bản thân của trẻ càng hình thành và phát triển.

Vì thế, dạy con kỹ năng thoát hiểm trong nhiều hoàn cảnh là điều vô cùng cần thiết. Hello Bacsi đưa ra vài gợi ý, mời bạn tham khảo.

Làm thế nào để thoát khỏi chiếc xe ô tô đang bị kẹt?

Trong tình huống này, bạn có thể cho bé xem những video tái dựng tình huống tương tự để bé có sự quan sát trực quan hơn. Đồng thời, bạn hãy thường xuyên tổ chức một vài tình huống giả định bằng các trò chơi vui nhộn để bé có cơ hội thực hành.

Những cách thoát khỏi cảnh mắc kẹt trong xe ô tô được khuyến khích là:

Tự mở cửa xe từ bên trong

Việc làm này chỉ hữu ích khi bé quan sát qua ô kính thấy không gian bên ngoài cửa xe hoàn toàn trống trải. Ở nhiều loại xe, cánh cửa bên hông quá nặng, lực kéo của bé không đủ sức dịch chuyển cửa xe, hãy hướng dẫn bé bước nhanh đến vị trí ngồi của tài xế và mở cánh cửa xe ở đó.

Trước đó, bạn hãy tận dụng mọi thời điểm để hướng dẫn bé cách làm thế nào để mở cửa xe từ bên trong. Nếu gia đình bạn có ô tô riêng thì điều này dễ dàng hơn. Nếu không, hãy dạy bé bất cứ khi nào có điều kiện di chuyển trên ô tô khách để con biết được kỹ năng thoát hiểm khi bị kẹt trên xe ô tô.

Bấm còi xe hoặc bật đèn báo khẩn cấp để thu hút sự chú ý từ bên ngoài

vị trí còi xe trên vô lăng

Dù rất hy hữu nhưng đã từng có nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra khi người lớn bên ngoài không nhận thấy tín hiệu khẩn cấp của một em bé đang mắc kẹt trong chiếc xe. Cũng tương tự như cách mở cửa xe từ bên trong, bạn hãy tận dụng mọi thời cơ để hướng dẫn cho bé biết còi xe ở đâu, đèn khẩn cấp nằm ở vị trí nào và làm thế nào để khiến chúng hoạt động.

Với còi xe, dù xe đã tắt máy và không có chìa khóa, còi xe vẫn hoạt động được nhờ nguồn điện trực tiếp từ Accu. Nếu con bị kẹt trong xe, hãy lên vô lăng, ấn tay vào vùng chính giữa vô lăng để còi phát ra tiếng kêu thu hút sự chú ý của người bên ngoài.

Đèn khẩn cấp cũng tương tự như còi xe, đèn luôn sẵn sàng hoạt động cả ngày nhờ nguồn điện Accu. Biểu tượng hình tam giác trên tablo buồng lái chính là chỗ con phải bấm vào để mở tín hiệu đèn khẩn cấp. Mở đèn kết hợp với bấm còi để người bên ngoài biết con đang bị kẹt trong xe để ứng cứu kịp thời.

Dùng búa thoát hiểm đập vỡ cửa kính xe

Búa thoát hiểm trên xe ô tô sẽ là “bùa hộ mệnh” cho cả trẻ con và người lớn trong những tình huống nguy cấp. Tuy nhiên, vì những yếu tố liên quan đến ý thức người sử dụng nên có nhiều xe chỉ trang bị búa thoát hiểm để đối phó với cơ quan chức năng. Tình trạng phổ biến nhất là trang bị không đủ số lượng cần thiết hoặc siết búa quá chặt vào thành xe khiến hành khách rất khó lấy ra.

Bé sẽ làm gì khi gặp phải tình huống đó? Bạn hãy cố gắng hướng dẫn trẻ tìm một vật dụng nào đó trên xe tương tự búa thoát hiểm để đập vỡ cửa kính xe và thoát ra ngoài. Nếu bé đang đi học, trong cặp sách của bé có thể có sẵn kéo thủ công. Lúc đó, bé hãy lấy kéo cắt dây cột búa thoát hiểm để lấy búa đập cửa xe.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất