Trẻ đi nhón chân là do thói quen hay bệnh? Bố mẹ nên làm gì khi bé thường xuyên đi kiễng chân? Hãy cùng Hello Bacsi tìm kiếm câu trả lời qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu chung
Trẻ đi nhón chân là như thế nào?
Hiện tượng đi kiễng chân (nhón chân) rất dễ bắt gặp ở trẻ dưới 2 tuổi đang tập đi. Nếu thấy trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, bố mẹ không cần quá lo lắng về tình trạng này.
Tuy nhiên, đôi khi thói quen đi kiễng chân của trẻ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn đang diễn ra. Do đó, nếu bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ nên lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng đi nhón chân ở trẻ?
Trẻ hay đi kiễng chân thường có xu hướng di chuyển bằng các đầu ngón chân hoặc phần trước của gan bàn chân. Ngoài ra, một số trẻ cũng có thể có những biểu hiện bất thường khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về triệu chứng này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nếu bé vẫn giữ thói quen đi kiễng chân sau 2 tuổi hoặc có bất kỳ biểu hiện nào như sau:
- Căng cơ bắp chân
- Cứng gân Achilles
- Gặp khó khăn trong việc phối hợp hoạt động của các cơ bắp
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra chứng đi nhón chân ở trẻ?
Thông thường, chứng đi nhón chân ở trẻ chỉ đơn giản là một thói quen, xuất hiện khi trẻ tập đi. Mặc dù vậy, đôi khi nguyên nhân khiến trẻ hay đi kiễng chân lại có thể đến từ một vài yếu tố như:
Gân Achilles ngắn
Gân này nối các cơ bắp của cẳng chân với mặt sau của xương gót chân. Nếu gân này quá ngắn, nó có thể làm gót chân khó chạm mặt đất.