Tìm hiểu về cách chữa ung thư gan bằng sóng cao tần (RFA) • Hello Bacsi

Related Articles

Khi y học ngày càng phát triển, các nhà khoa học đã tìm ra được nhiều cách chữa ung thư gan, một trong số đó là phương pháp sử dụng sóng cao tần. Đây được xem là một cách cắt bỏ khối u gan ít xâm lấn và được sử dụng tương đối rộng rãi.

Phương pháp điều trị ung thư gan bằng sóng cao tần mang lại những lợi ích gì đối với sức khỏe của các bệnh nhân bị ung thư gan? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!

Phương pháp điều trị ung thư bằng sóng cao tần là gì?

Phương pháp điều trị ung thư gan bằng sóng cao tần (Radiofrequency ablation) là một trong những phương pháp cắt bỏ gan thường được áp dụng để loại bỏ các khối u nhỏ. Phương pháp này sử dụng sóng vô tuyến năng lượng tạo nhiệt độ cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Nếu muốm tìm hiểu thêm về các phương pháp điều trị ung thư gan, bạn hãy tìm hiểu thêm về Liệu pháp thuyên tắc cho ung thư gan

Những bệnh nhân nào có thể áp dụng phương pháp sóng cao tần?

Cách chữa ung thư gan bằng sóng cao tần (RFA) được dùng để điều trị cho những bệnh nhân có khối u kích thước nhỏ hơn 5cm. Đặc biệt, RFA đem lại hiệu quả rất tốt trên những bệnh nhân có dưới 3 khối u, kích thước mỗi khối u dưới 3cm. Phương pháp này thường được sử dụng khi không thể thực hiện các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ hoặc ghép gan.

Trong trường hợp bệnh nhân có nhiều khối u (trên 3 khối u, mỗi khối u lớn hơn 3cm) hoặc khối u có kích thước lớn hơn 5cm, RFA có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị hỗ trợ để giúp kiểm soát cơn đau và làm tăng chất lượng cuộc sống của họ.

Cơ chế tác dụng của phương pháp này?

Mô có thể bị phá hủy vĩnh viễn không thể hồi phục ở nhiệt độ ≥45°C. Khi sử dụng nhiệt độ từ 46 – 60°C thì phải cần một thời gian tương đối dài để có thể gây tổn thương các tế bào. Ngược lại, với nhiệt độ từ 60 – 100°C, nhiệt độ có thể gây đông tụ protein gần như tức thời, bên cạnh đó cũng gây các tổn thương ở ty thể và enzyme tế bào không hồi phục. Khi nhiệt độ vượt quá 100°C, chất lỏng trong mô sôi lên và dễ bị carbon hóa. Sự bay hơi xảy ra khi các mô được làm nóng ở nhiệt độ từ 100 – 110°C, tạo ra một luồng khí quan trọng, vừa là chất cách điện vừa làm giảm hiệu quả của phương pháp RFA. Do đó, các bác sĩ thường duy trì nhiệt độ ở khoảng 60 – 100°C để tiêu diệt khối u.

Cách chữa ung thư gan bằng sóng cao tần sử dụng dòng điện xoay chiều có tần số nằm trong khoảng 200 – 1.200MHz. Các bác sĩ đặt một điện cực ở giữa trung tâm khối u, sau đó dòng điện từ máy được truyền vào khối u qua một điện cực kim khác. Dòng sóng vô tuyến được truyền vào đầu điện cực kim và sinh ra nhiệt. Nhiệt độ làm mất nước trong các tế bào lân cận và làm hoại tử khối u.

Các bác sĩ cũng có thể sử dụng thêm máy siêu âm với đầu dò 3.5 – 5MHz để xác định vị trí chính xác của các khối u, giúp định hướng để đưa các điện cực vào các khối u này.

Các kỹ thuật tiếp cận khối u bằng phương pháp sóng cao tần

Cách chữa ung thư gan bằng sóng cao tần

Khi sử dụng phương pháp sóng cao tần, các bác sĩ có thể tiếp cận khối u bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm:

  • Qua da (có thể áp dụng mà không cần phẫu thuật)
  • Nội soi (Tiếp cận khối u thông qua một vết mổ nhỏ ở bụng)
  • Mổ hở ổ bụng (Trong trường hợp 2 phương pháp kia không sử dụng được)

Các khối u nằm trên bề mặt lá gan có thể được cắt bỏ nhanh chóng, tuy nhiên các khối u nằm sâu bên trong thường khó thực hiện thủ thuật hơn. Phương pháp RFA có thể được sử dụng để tiêu diệt các khối u này, từ đó có thể giúp bảo vệ hầu hết các mô gan.

Cách bước thực hiện phương pháp sóng cao tần trong điều trị ung thư

Cách chữa ung thư bằng sóng cao tần có thể được tiến hành theo các bước sau:

  • Bước 1: Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Các bác sĩ sẽ đưa các điện từ vào cơ thể thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau. Phương pháp siêu âm cũng được sử dụng để giúp các bác sĩ định hướng được vị trí của khối u và đưa điện cực vào gan một cách chính xác hơn.
  • Bước 2: Các điện cực sẽ phát ra sóng vô tuyến cao tần để đốt nóng các tế bào ung thư. Sóng vô tuyến này cũng gây ảnh hưởng đến các tế bào liền kề khối u trong phạm vi 0.5 – 1cm.
  • Bước 3: Tăng dần nhiệt độ lên đến 100°C và duy trì nhiệt độ ổn định trong khoảng 10 phút để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Quá trình tiến hành phương pháp này thường kéo dài từ 20 phút đến 2 giờ tùy thuộc vào kích thước và số lượng khối u. Theo ước tính, nếu RFA được thực hiện thành công trên những bệnh nhân ung thư gan giai đoạn đầu thì khả năng kéo dài thời gian sống thêm 5 năm có thể đạt đến 40 – 50%.

Sau khi được điều trị bằng phương pháp sóng cao tần, bệnh nhân sẽ được theo dõi tiếp tục bằng các xét nghiệm hình ảnh để xem xét mức độ tiêu diệt tế bào ung thư cũng như mức độ hồi phục của các tế bào gan bình thường.

Ưu điểm của phương pháp sóng cao tần

Vì RFA vẫn là một kỹ thuật đang được phát triển nên rất khó xác định vai trò hiện tại của RFA trong điều trị ung thư gan. Tuy nhiên, RFA là một phương pháp cắt bỏ khối u gan được sử dụng phổ biến vì có nhiều ưu điểm như:

1. Mức độ xâm lấn tối thiểu với khả năng kiểm soát bệnh có thể chấp nhận được

So với phẫu thuật cắt bỏ gan, phương pháp sóng cao tần ít xâm lấn nên phù hợp với các bệnh nhân có chức năng gan và sức khỏe kém. Quá trình chữa ung thư bằng sóng cao tần được thực hiện sau khi gây mê cục bộ hoặc gây mê tĩnh mạch. Bệnh nhân sau khi thực hiện thủ thuật có thể theo dõi ngoại trú hoặc ở lại bệnh viện trong khoảng 2 – 3 ngày. Các nghiên cứu về biến chứng và tác dụng phụ của phương pháp sóng cao tần đã chứng minh mức độ an toàn của RFA với tỷ lệ tử vong và biến chứng trong giới hạn chấp nhận được.

Mặc dù phương pháp cắt bỏ gan bằng sóng cao tần an toàn hơn nhiều so với phương pháp phẫu thuật nhưng đây vẫn là một thủ thuật có thể gây biến chứng. Vì vậy, bác sĩ phẫu thuật cần xác định và dự phòng được các biến chứng có thể xảy ra khi điều trị bằng phương pháp này để có phương án xử lý kịp thời.

2. Khả năng kiểm soát khối u cục bộ một cách tuyệt vời

Mục tiêu chính của các phương pháp cắt bỏ chính là kiểm soát cục bộ các khối u trong gan. Các khu vực được loại bỏ bằng sóng cao tần thường có kích thước tối đa khoảng 3 – 4cm tùy thuộc vào khối u và từng loại thiết bị cụ thể. Các tế bào gan bình thường khác có thể tái tạo lại để bù đắp cho phần gan đã được cắt bỏ.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng phương pháp cắt bỏ khối u bằng sóng cao tần có tác dụng vượt trội hơn phương pháp tiêm cồn tuyệt đối (PEI) về khả năng kiểm soát khối u cục bộ. Tỷ lệ tiến triển của các khối u cục bộ sau khi thực hiện thủ thuật RFA dao động từ 0,9 – 11,8%. Kích thước khối u là yếu tố chính để quyết định thành công trong việc kiểm soát các khối u ung thư gan. Do đó, các bác sĩ thường kết hợp RFA với phương pháp nút mạch hóa dầu (TACE) hoặc các loại thuốc để kiểm soát các khối u lớn có đường kính lớn hơn 3cm.

3. Hứa hẹn kéo dài thời gian sống

Cách chữa ung thư gan bằng sóng cao tần

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy RFA có khả năng kéo dài thời gian sống cho các bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Theo thống kê, các bệnh nhân ung thư được điều trị bằng RFA có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 41 – 68% tùy vào kích thước khối u, tỷ lệ này tương đối giống với phẫu thuật cắt bỏ. Phương pháp cắt bỏ khối u bằng sóng cao tần được xem là một trong những lựa chọn hàng đầu để điều trị cho các bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan đơn lẻ có kích thước khối u nhỏ (dưới 2cm).

4. Một trong những cách tiếp cận đa hướng

Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là khối u khó có thể được kiểm soát hoàn toàn bằng một phương pháp điều trị duy nhất, ngay cả khi sử dụng phương pháp cấy ghép. Do đó, các nhà khoa học thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp trị liệu với nhau để thu được hiệu quả mong muốn. Nếu kích thước khối u lớn hơn 5cm, các bác sĩ có thể kết hợp 2 phương pháp là TACE và RFA để kiểm soát khối u một cách cục bộ. Đối với các khối u tái phát sau phẫu thuật cắt bỏ hoặc cấy ghép, các chuyên gia có thể kiểm soát thành công khối u với với tỷ lệ biến chứng ít.

Tác dụng phụ của phương pháp điều trị sóng cao tần

Dù là một phương pháp tương đối an toàn nhưng cách chữa ung thư gan bằng sóng cao tần vẫn có thể gây ra những biến chứng nhất định (8,9%).

1. Khả năng điều trị hạn chế

Ngay cả khi sử dụng các công nghệ hiện đại nhất, phương pháp RFA chỉ có thể cắt bỏ được phần khối u có kích thước tối đa 4 – 5cm. Vì vậy, để điều trị khối u có kích thước lớn, các bác sĩ cần phải sử dụng nhiều điện cực hoặc sử dụng chồng chéo các điện cực với nhau. Cả hai phương pháp này thường gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật và thường cần chi phí khá lớn.

2. Có thể gây tổn thương các cơ quan xung quanh

Nếu khối u nằm gần các cơ quan, tiến hành điều trị ung thư bằng sóng cao tần có nguy cơ gây tổn thương các cơ quan này. Cơ quan dễ bị tổn thương nhất là đại tràng, cơ hoành, túi mật và ống mật chủ. Để giảm thiểu tổn thương do nhiệt độ của sóng cao tần ở các cơ quan tiêu hóa và cơ hoành, bác sĩ có thể sử dụng các túi dịch hoặc túi không khí nhân tạo để tách khu vực cắt bỏ ra khỏi cơ quan khác.

Đối với tổn thương ở ống mật chủ, bác sĩ có thể làm mát đường mật thông qua các ống dẫn trong quá trình thực hiện liệu pháp. Riêng với các khối u đã di căn ra ngoài gan, nên sử dụng các phương pháp thay thế khác như TACE để điều trị. Nguyên nhân là việc tác động vào các khối u nằm ngoài gan có thể làm tăng nguy cơ và tốc độ di căn của các khối u này.

Mời bạn tham khảo bài viết Điểm mới trong điều trị ung thư gan

3. Hiệu ứng tản nhiệt

Hiệu ứng tản nhiệt là một biến chứng thường gặp trong quá trình cắt bỏ các tế bào ung thư bằng sóng cao tần. Nhiệt độ đối lưu từ các mạch máu lân cận có thể làm giảm hiệu quả của quá trình loại bỏ, cuối cùng dẫn đến sự tiến triển của các khối u trong quá trình hồi phục.

4. Biến chứng khác

Các biến chứng phổ biến khác có thể gặp là xuất huyết ổ bụng, nhiễm trùng ổ bụng (áp xe), tổn thương đường mật, suy gan và các biến chứng về phổi.

Chữa ung thư gan bằng sóng cao tần là một phương pháp khá quen thuộc được các bác sĩ sử dụng để điều trị cho bệnh nhân. Tuy còn nhiều mặt hạn chế nhưng phương pháp này vẫn thể hiện được những hiệu quả cao trong việc loại bỏ và tiêu diệt các khối u ung thư. Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp phù hợp để kiểm soát bệnh.

Ngoài những thông tin trên, bạn có thể truy cập tại đây để cập nhật những đột phá trong khoa học của các nhà khoa học Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho các bệnh nhân ung bướu.

Phương Quỳnh/HELLO BACSI

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất