Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ, nhất là với những bé dưới 5 tuổi đang ở mức khá cao. Riêng tại Việt Nam, đây là một trong những bệnh chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ em hiện nay. Nghe có vẻ khá đáng sợ, nhưng nếu bạn có cái nhìn toàn diện về bệnh, biết cách phòng ngừa, hãy yên tâm rằng bạn hoàn toàn có thể chăm sóc và bảo vệ con yêu thật tốt.
Truy tìm nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy
Có khá nhiều lời giải thích cho việc vì sao mà trẻ mắc bệnh tiêu chảy. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến mà con thường gặp nhất:
1. Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm virus Rota
Virus rota là siêu vi trùng gây nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp rất thường gặp ở trẻ nhỏ trong 5 năm đầu đời. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng trẻ bị tiêu chảy. Đối tượng hay mắc bệnh là các bé dưới 3 tuổi, tập trung nhiều ở các bé từ 7 đến 24 tháng tuổi.
Các biểu hiện ở trẻ có thể là sốt, nôn, đi cầu nhiều lần trong ngày, phân lỏng màu vàng hoặc xanh. Những tình trạng trên dễ khiến trẻ bị mất nước. Thời gian mắc bệnh có thể kéo dài từ 3 – 9 ngày. Sau đó, trẻ cần nhiều thời gian để phục hồi.
2. Nhiễm ký sinh trùng gây tiêu chảy
Trẻ nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là loại ký sinh trùng Giardia lamblia, sẽ dẫn đến tiêu chảy. Trẻ mắc bệnh thường có các triệu chứng như đi tiêu phân lỏng, phân có máu hoặc chất nhầy, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn…
Lưu ý rằng loại ký sinh trùng này có ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất béo của cơ thể nên trong phân sẽ có mỡ hoặc thấy váng mỡ nổi lên và có mùi.
3. Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn
Việc trẻ bị nhiễm khuẩn cũng là một trong các nguyên nhân thường gặp và có liên quan đến vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm. Các vi khuẩn thường thấy nhất như E.coli, Salmonella, Shigella, vi khuẩn tả (Vibrio cholerae)… sẽ gây ra những triệu chứng tiêu chảy khác nhau.
Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn thường được chẩn đoán dựa trên tính chất của phân, cấy phân để tìm ra loại khuẩn gây bệnh, từ đó mà có biện pháp thích hợp nhất.
4. Tiêu chảy do dùng thuốc kháng sinh
Việc trẻ uống thuốc kháng sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy. Nguyên do là kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn nên sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn gây hại và lợi khuẩn có trong đường tiêu hóa của con. Hậu quả là hệ vi sinh đường ruột của bé bị mất cân bằng dẫn đến tiêu chảy.
5. Trẻ không dung nạp được lactose
Một số bé bị thiếu hụt men lactase trong cơ thể, loại men có vai trò để tiêu hóa đường lactose có trong sữa. Sự thiếu hụt men lactase sẽ khiến trẻ không hấp thu được các sản phẩm từ sữa.
Khi cơ thể con không hấp thu và tiêu hóa được lactose sẽ dẫn đến ứ đọng loại đường này trong ruột. Lúc này, lactose sẽ chuyển hóa thành axit lactic khiến trẻ bị tiêu chảy. Các bé bị tiêu chảy trong trường hợp này thường có dấu hiệu chướng bụng, sôi bụng, đi phân chua, da quanh hậu môn bị hăm đỏ. Tình trạng bệnh của trẻ nặng hay nhẹ còn tùy vào lượng lactose trẻ tiêu thụ ít hay nhiều.
6. Trẻ bị tiêu chảy do dị ứng hay ngộ độc thực phẩm
Trường hợp dị ứng thực phẩm có thể xảy ra sau vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn, nguyên nhân chủ yếu là do protein trong thức ăn. Các triệu chứng dễ gặp là đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy, có thể khó thở, hạ huyết áp…
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm sẽ có biểu hiện như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy gây mất nước và điện giải, nặng hơn sẽ gây tử vong.
Một số gia đình cho con dùng nước trái cây đóng hộp nhưng lại không hề biết rằng loại nước này có thành phần là sorbitol (kể cả trong trái cây tươi vẫn có). Sorbitol là một loại đường khó tiêu dẫn đến tiêu chảy.
Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy còn có thể do mắc các tình trạng bệnh lý như viêm ruột, tắc ruột hoặc do hội chứng ruột kích thích gây nên hoạt động bất thường của dạ dày, ruột.