Tắc nghẽn phổi mạn tính: ai có nguy cơ mắc bệnh? • Hello Bacsi

Related Articles

Hút thuốc lá chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn gọi là COPD. Mặc dù vậy, bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính còn có thể xảy ra bởi những yếu tố khác như tuổi tác, tính chất công việc, ô nhiễm môi trường…

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý tiến triển âm thầm, có khả năng cao gây tử vong thông qua:

  • Gây khó thở
  • Dễ dàng dẫn đến các đợt cấp (hay còn gọi là đợt kịch phát – tình trạng triệu chứng COPD nặng lên)
  • Kéo theo các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể

Hiện nay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) vẫn chưa thể chữa lành hoàn toàn. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên chủ động phòng ngừa vấn đề sức khỏe này ngay từ đầu. Để làm được điều này, điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ nguyên nhân cũng như các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh.

Nguyên nhân gây COPD là gì?

Hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây COPD. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ cho biết thói quen hút thuốc sẽ góp phần làm tăng nguy cơ tử vong do COPD lên 13 lần.

Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp, COPD cũng có thể phát triển bởi nhiều vấn đề khác. Hãy để Hello Bacsi cung cấp cho bạn một số yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này nhé.

8 yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD)

Thực tế, COPD có thể xảy ra ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, những người có bất kỳ yếu tố nào dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:

1. Tuổi tác

copd ở người cao tuổi

Dù bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không phải là hệ quả của quá trình lão hóa, nhưng hầu hết mọi người thường được chẩn đoán mắc bệnh vào độ tuổi 40 trở lên. Nguyên nhân là do những tác động tiêu cực từ việc hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất gây hại, nhiễm trùng… sẽ tích lũy dần ở phổi trong thời gian dài và phát triển thành COPD.

2. Giới tính

phụ nữ bị tắc nghẽn phổi mạn tính

Một số nghiên cứu cho thấy so với nam giới, phụ nữ nhạy cảm hơn với các yếu tố nguy cơ mắc tắc nghẽn phổi mạn tính. Nguyên nhân có thể là do trọng lượng cơ thể và kích thước lá phổi của phụ nữ nhỏ hơn đàn ông, khiến ảnh hưởng từ các yếu tố nguy cơ nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, sự khác biệt về miễn dịch hoặc nội tiết tố cũng góp phần dẫn đến vấn đề này.

3. Hút thuốc lá thụ động gây tắc nghẽn phổi mạn tính

hút thuốc lá

Dù không có thói quen hút thuốc lá, nhưng khi bạn ở gần người hút thuốc, khói thuốc lá vẫn có cơ hội gây tổn thương phổi của bạn, đồng thời tạo điều kiện phát triển bệnh COPD. Theo ước tính từ Hiệp hội phổi Hoa Kỳ (ALA), 85 – 90% trường hợp bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính liên quan đến thuốc lá, bao gồm cả việc hút thuốc lá thụ động.

4. Tính chất công việc

công việc dẫn đến copd

Bên cạnh khói thuốc lá, việc tiếp xúc với các loại bụi, hóa chất hoặc khí thải công nghiệp lâu ngày cũng góp phần gây kích ứng và viêm phổi cũng như đường hô hấp. Khi đó, nguy cơ phát triển bệnh COPD ở một người có thể tăng lên 22%.

Một số ngành nghề có nguy cơ cao dẫn đến vấn đề sức khỏe này bao gồm:

  • Khai thác than
  • Xử lý ngũ cốc
  • Đúc kim loại

5. Ô nhiễm môi trường không khí

ô nhiễm môi trường gây tắc nghẽn phổi mạn tính

Không khí cũng là yếu tố cần được lưu ý khi nói về các nguy cơ hình thành bệnh COPD, đặc biệt là không khí bị ô nhiễm. Tác nhân ô nhiễm có thể bao gồm:

  • Trong nhà: nấm mốc, phấn hoa, lông thú cưng, mạt bụi, khói từ thuốc lá, bếp củi, than…
  • Môi trường bên ngoài: bụi mịn, khí thải từ xe cộ, xí nghiệp, xử lý rác thải…

Thêm vào đó, việc thường xuyên tiếp xúc với chất ô nhiễm cũng đã được chứng minh khiến triệu chứng bệnh COPD trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh.

6. Bệnh nền gây suy giảm chức năng phổi

Đôi khi, một số bệnh lý ảnh hưởng đến kích thước và chức năng phổi cũng sẽ góp phần gây ra bệnh COPD, trong đó phổ biến nhất là hai tình trạng sau:

Hen suyễn

nguy cơ mắc copd

Tình trạng này thường liên quan đến tình trạng viêm và hẹp đường thở. Các cơn hen suyễn có thể khiến tình trạng viêm tái phát liên tục và gây tổn thương đến phổi, lâu ngày tiến triển thành tắc nghẽn phổi mạn tính.

Theo nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh COPD của người bị hen suyễn có thể gấp 12 lần so với người không gặp phải vấn đề này.

Nhiễm trùng phổi

nhiễm trùng phổi

Chức năng của phổi có nguy cơ suy giảm đáng kể nếu cơ quan này đã từng nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus. Điều này góp phần không nhỏ vào sự phát triển của bệnh COPD. Các bác sĩ cũng cho rằng bệnh lao và viêm phế quản là hai dạng nhiễm trùng có mối liên hệ mật thiết nhất với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đặc biệt nếu bạn còn có thói quen hút thuốc lá.

Mặt khác, các vấn đề ở phổi xảy ra trong giai đoạn thai kỳ hoặc thời điểm sinh nở cũng có nhiều khả năng phát triển thành bệnh COPD sau này.

7. Dinh dưỡng kém

dinh dưỡng kém

Suy dinh dưỡng là một trong những yếu tố trực tiếp tác động đến sức khỏe của hệ hô hấp, từ đó góp phần gây ra bệnh COPD. Thêm vào đó, dinh dưỡng kém cũng sẽ gây cản trở việc kiểm soát các triệu chứng, khiến bệnh tiến triển nhanh hơn.

Thông thường, chỉ số khối cơ thể (BMI) của một người khỏe mạnh sẽ dao động trong khoảng 18,5 – 24,9. Tuy nhiên, khi bạn mắc COPD, chỉ số BMI thấp hơn 21 có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Do đó, trong trường hợp này, hãy đảm bảo thông số của bạn nằm trong phạm vi 21 – 24,9 bằng cách xây dựng và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.

8. Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin (AAT) dẫn đến tắc nghẽn phổi mạn tính

bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính copd

Alpha-1 antitrypsin (AAT) là một loại protein đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ phổi khỏi tổn thương. Tuy tình trạng này rất hiếm khi xảy ra nhưng nếu cơ thể thiếu AAT, bạn sẽ dễ bị tắc nghẽn phổi mạn tính hơn, kể cả khi không hút thuốc lá. Bệnh COPD do thiếu hụt protein AAT thường phát triển từ rất sớm.

Nguyên nhân chính gây thiếu hụt alpha-1 antitrypsin là do di truyền. Điều này nghĩa là nếu bố mẹ gặp phải tình trạng này thì con của họ sẽ có khả năng cao không đủ lượng AAT cần thiết trong cơ thể.

Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Bạn sẽ không thể ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh COPD như thiếu hụt protein AAT, tuổi tác hay giới tính. Tuy nhiên, với các yếu tố tác động từ bên ngoài như hút thuốc lá thụ động, tiếp xúc nhiều với khói bụi, chất gây kích ứng… bạn hoàn toàn có khả năng kiểm soát và chủ động ngăn chặn nguy cơ ngay từ đầu bằng cách::

  • Hạn chế ở gần hoặc ở chung không gian kín với người đang hút thuốc lá
  • Cố gắng đảm bảo không khí trong nhà không có khói thuốc
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa để loại bỏ các yếu tố gây kích ứng phổi và đường thở như nấm mốc, phấn hóa, lông thú cưng…
  • Tập thói quen đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt nếu khu vực bạn ở có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao

Nếu bạn làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với khói bụi hoặc hóa chất, hãy đảm bảo tuân thủ đúng quy tắc an toàn để bảo vệ sức khỏe tổng thể cũng như hệ hô hấp.

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa có liệu pháp điều trị cụ thể để chữa lành hoàn toàn những thương tổn do bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính gây ra. Vì vậy, mọi người nên phòng ngừa bệnh ngay từ đầu bằng cách không hút thuốc lá, đồng thời giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Nếu bạn ở trong nhóm nguy cơ trên và bắt đầu có những triệu chứng COPD như khó thở kéo dài hoặc thở khò khè… hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Ngoài ra, nếu bạn được chẩn đoán COPD, hãy tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về cách sử dụng cũng như liều lượng thuốc cần dùng để kiểm soát tốt bệnh, đồng thời hạn chế nguy cơ tử vong.

Nội dung được thực hiện bởi Hội Hô Hấp Việt Nam với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Novartis Việt Nam.

VN2011135436

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất