Sự hiện diện của các gốc tự do, những phân tử thiếu hụt electron, có thể gây rối loạn các hoạt động bình thường của tế bào. Để giải quyết tình trạng trên, đồng thời bảo vệ tế bào khỏi thương tổn, bạn sẽ cần đến chất chống oxy hóa. Vì vậy, đôi khi những hoạt chất này còn có tên gọi “kẻ thu thập gốc tự do”.
Chất chống oxy hóa ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe như thế nào?
Stress oxy hóa là một vấn đề phổ biến do các gốc tự do gây nên, thường liên quan đến một số yếu tố như sau:
- Hoạt động ti thể bất thường
- Tập thể dục quá mức
- Mô bị tổn thương do viêm hoặc chấn thương
- Hội chứng thiếu máu – tái tưới máu
- Thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm tinh chế, chứa nhiều chất béo chuyển hóa, chất ngọt nhân tạo và một số thành phần phụ gia
- Thói quen hút thuốc lá
- Ô nhiễm môi trường
- Tiếp xúc với các tia bức xạ hoặc hóa chất (thuốc điều trị, thuốc trừ sâu, hóa trị, dung môi…)
Thêm vào đó, tình trạng trên có thể kéo theo nhiều biến chứng gồm:
- Số lượng ion sắt hoặc đồng tự do được giải phóng quá nhiều
- Thực bào, một loại tế bào bạch cầu chịu trách nhiệm chống nhiễm trùng, bị kích hoạt quá mức
- Lượng enzyme tạo ra các gốc tự do tăng lên nhanh chóng
- Chuỗi chuyền điện tử bị gián đoạn
- Một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ví dụ như ung thư, xơ vữa động mạch hay suy giảm thị lực…
Để đối phó với tình trạng này, cơ thể sẽ cần sự hỗ trợ từ chất chống oxy hóa.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những phân tử này chỉ chịu trách nhiệm trung hòa gốc tự do bằng cách cho đi electron. Đối với giả thiết về khả năng giảm thiểu nguy cơ phát sinh mầm bệnh, các nhà nghiên cứu sẽ cần có thêm bằng chứng đáng tin cậy hơn.
Chất chống oxy hóa gồm những loại nào?
Theo các nhà khoa học, chất chống oxy hóa có đến hàng trăm loại. Mỗi loại đóng vai trò riêng biệt và có thể tương tác với nhau nhằm thúc đẩy cơ thể hoạt động hiệu quả. Đây cũng là lý do vì sao bác sĩ luôn khuyến khích mọi người nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đa dạng.
Chất chống oxy hóa được hấp thụ từ thực phẩm bao gồm:
- Vitamin A, C, E
- Beta-carotene
- Lycopene
- Lutein
- Selen
- Mangan
- Zeaxanthin
Ngoài ra, một số dưỡng chất từ thực vật như flavonoid, flavones, catechin, polyphenol và phytoestrogen cũng thuộc nhóm chống oxy hóa.