Đục thủy tinh thể hay còn gọi là cườm đá, cườm khô, là tình trạng rối loạn thị lực do cấu trúc protein của thủy tinh thể bị thay đổi. Bình thường, các protein được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein của thủy tinh thể bị biến tính và đông tụ lại, khiến thủy tinh thể mất dần độ trong suốt. Điều này cản trở, không cho ánh sáng đến võng mạc gây suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
Vậy nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là gì và làm thế nào để phát hiện bệnh sớm? Mời bạn cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân đục thủy tinh thể là gì?
Đa số các trường hợp mắt bị đục thủy tinh thể xảy ra ở người lớn tuổi, do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Những trường hợp còn lại có thể đến từ các rối loạn bẩm sinh hoặc do tai nạn, chấn thương và biến chứng của bệnh lý khác.
Các chuyên gia chia những nguyên nhân gây bệnh thành hai nhóm chính là nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.
Nguyên nhân mắt bị đục thủy tinh thể nguyên phát
Các nguyên nhân gây bệnh nguyên phát bao gồm yếu tố bẩm sinh và lão hóa do tuổi tác.
- Bẩm sinh: Các nguyên nhân đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ thường liên quan đến các vấn đề như rối loạn di truyền, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng (như sởi hoặc rubella), đái tháo đường, chấn thương, viêm hoặc phản ứng thuốc. Nếu không phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh và can thiệp kịp thời, thị lực của trẻ có thể bị ảnh hưởng.
- Tuổi tác: Khi quá trình lão hóa diễn ra, các liên kết protein trong thủy tinh thể không còn hoạt động tốt, dẫn đến xơ cứng, mờ đục từ đó cản trở tầm nhìn, khó điều tiết, làm suy giảm thị lực.
Nguyên nhân thứ phát liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác
Nguyên nhân thứ phát khiến mắt bị đục thủy tinh thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- Chấn thương: Một số chấn thương có thể dẫn đến sự hình thành đục thể thuỷ tinh ngay hoặc sau nhiều năm như tiếp xúc nhiều với tia cực tím từ mặt trời, chấn thương do va chạm vào mắt, hóa chất, điện giật, bức xạ ion hóa do điều trị khối u ở mắt hoặc điều trị tim mạch,…
- Bệnh đái tháo đường: Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đục thủy tinh thể lên đến 60%. Thủy dịch cung cấp chất dinh dưỡng cho thủy tinh thể, bao gồm oxy và glucose. Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể sẽ không kiểm soát được hoàn toàn lượng đường dẫn đến hàm lượng sorbitol dư thừa (một loại đường hình thành từ glucose), tạo thành cặn trong thủy tinh thể. Điều này có thể gây sưng, đồng thời ảnh hưởng đến thị lực.
- Huyết áp cao: Huyết áp cao là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm có thể dẫn đến đục thủy tinh thể. Ngoài đục thủy tinh thể, tăng huyết áp còn gây thoái hóa điểm vàng và tăng nhãn áp liên quan đến tuổi tác.
- Tác dụng phụ của thuốc: Dùng kéo dài một số thuốc corticoid và các chất ức chế kháng cholinesterase làm tăng nguy cơ đục thể thuỷ tinh.
- Vấn đề về mắt: Một số nguyên nhân đục thủy tinh thể liên quan đến các bệnh về mắt như viêm màng bồ đào, cận thị nặng, viêm võng mạc sắc tố, bệnh mù bẩm sinh Leber, hội chứng Stickler,…
- Các bệnh lý khác: Nguyên nhân khiến mắt bị đục thủy tinh thể còn có thể liên quan đến biến chứng của một số bệnh như chứng loạn dưỡng cơ, viêm da dị ứng, u sợi thần kinh loại 2, suy tuyến cận giáp, suy tuyến giáp…