Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) và toàn bộ thông tin liên quan

Related Articles

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Người bệnh cần thực hiện phẫu thuật để đưa ống thông mang dịch lọc thẩm tách vào và ra khỏi bụng. Người bệnh có thể được gây mê hoặc gây tê cục bộ.

Sau khi đặt ống, bác sĩ thường khuyên người bệnh nên đợi 1 tháng trước khi bắt đầu thẩm phân màng bụng. Đây là thời gian chờ cho phẫu thuật đặt ống lành lại. Người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn cách sử dụng thiết bị lọc tại nhà. Cần lưu ý đảm bảo vấn đề vệ sinh nghiêm ngặt.

Đặt ống lọc màng bụng

Trong khi thực hiện

1. Những bước trong quá trình thực hiện lọc màng bụng

  • Cho chảy dịch lọc vào bụng của người bệnh và lưu ở đó trong 1 khoảng thời gian quy định (thời gian ngâm), thường là từ 4–6 giờ.
  • Dextrose trong chất thẩm tách giúp lọc chất thải, hóa chất,… từ các mạch máu nhỏ trong niêm mạc khoang bụng.
  • Khi thời gian ngâm kết thúc, dung dịch cùng với các sản phẩm thải từ máu của người bệnh sẽ được cho chảy vào túi thu gom vô trùng.

2. Các phương pháp thẩm phân phúc mạc là gì?

Có 3 phương pháp thẩm phân màng bụng gồm:

– Lọc màng bụng cấp

Trong lọc màng bụng cấp, một ống thông tạm thời được đặt vào khoang bụng người bệnh. Cứ mỗi lần, 2 lít dịch lọc được đưa vào, 2 giờ sau dịch được tháo ra và tiếp tục đưa vào 2 lít dịch lọc mới. Thực hiện liên tục đến khi hết rối loạn điện giải, nội môi được cân bằng và chức năng thận được phục hồi.

Lọc màng bụng cấp được chỉ định trong suy thận cấp hoặc các đợt tiến triển nặng của suy thận mạn, khi pH máu ≥ 7,2; kali máu ≥ 6,5 mmol/l; ure máu ≥ 30 mmol/l cùng với quá tải thể tích tuần hoàn đe dọa phù phổi cấp,… hoặc khi không có thận nhân tạo, người bệnh chống chỉ định với thận nhân tạo.

– Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD)

Một ống thông cố định được luồn qua một đường dưới da thành bụng vào khoang bụng tới vị trí sát túi cùng Douglas.

Trong phương pháp này, dịch lọc luôn hiện diện trong khoang bụng của người bệnh. Dịch được thay khoảng 4 lần trong ngày. Quá trình thay và xả dịch được thực hiện bằng tay, có thể thực hiện tại nhà. Các giai đoạn trao đổi dịch diễn ra như sau:

  • Giai đoạn 1: Đưa dịch vào. Dịch chưa lọc vô trùng được cho vào ổ bụng qua ống thông.
  • Giai đoạn 2: Ngâm dịch. Dịch lọc được ngâm trong ổ bụng từ 4–8 giờ tùy theo nồng độ dịch.
  • Giai đoạn 3: Xả dịch ra. Dịch đã ngâm được xả ra ngoài dưới tác dụng của trọng lực. Sau khi xả hết dịch đã ngâm, bắt đầu đưa dịch vào như giai đoạn 1.

Với lọc màng bụng liên tục ngoại trú, người bệnh có thể thực hiện các trao đổi dịch tại nhà, nơi làm việc hoặc bất kỳ nơi nào có vệ sinh sạch sẽ. Người bệnh có thể tự do đi lại và hoạt động bình thường trong giai đoạn ngâm dịch.

– Lọc màng bụng bằng máy (ADP)

Phương pháp này được chia thành: Lọc màng bụng liên tục chu kỳ (Continuous Cycling Peritoneal Dialysis – CCPD), lọc màng bụng cách quãng ban đêm (Nocturnal Intermittent Peritoneal Dialysis – NIPD) và lọc màng bụng thủy triều (Tidal Peritoneal Dialysis – TPD).

Trong lọc màng bụng liên tục chu kỳ, mỗi đêm dịch lọc được đưa vào cơ thể qua một thiết bị trao đổi dịch chu kỳ tự động 3–10 lần. Vào ban ngày, người bệnh được lưu một thể tích dịch lọc trong ổ bụng và sẽ được xả ra trước chu kỳ lọc ban đêm. Áp dụng phương pháp này, nguy cơ viêm phúc mạc có thể thấp so với lọc màng bụng liên tục ngoại trú.

Lọc màng bụng cách quãng ban đêm diễn ra tương tự lọc màng bụng liên tục chu kỳ, ngoại trừ việc không có dịch lọc trong cơ thể người bệnh vào ban ngày cũng như số chu kỳ lọc được tăng lên.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất