Kit xét nghiệm nhanh Covid-19 không có độ chính xác cao • Hello Bacsi

Related Articles

Độ chính xác của kit xét nghiệm nhanh không cao

Các chuyên gia y tế dự phòng và bác sĩ tại Hàn Quốc không khuyến cáo sử dụng các kit xét nghiệm Covid-19 nhanh (cho kết quả trong 10 phút) do độ chính xác không cao.

Thực tế, độ nhạy của kit xét nghiệm nhanh chỉ đạt 50 – 70% so với kit xét nghiệm dùng PCR dẫn đến hai trường hợp sau đây:

Âm tính giả: Bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể nhận kết quả âm tính giả (bị nhiễm virus trên thực tế nhưng kết quả xét nghiệm lại âm tính).

Dương tính giả: Người khỏe mạnh không nhiễm SARS-CoV-2 có thể nhận kết quả dương tính giả (không nhiễm virus nhưng kết quả xét nghiệm lại là dương tính).

Những kết quả không chính xác của kit xét nghiệm Covid-19 có thể khiến nhiều người hoang mang, đồng thời gây khó khăn trong công tác phòng dịch.

Hàn Quốc không dùng kit xét nghiệm nhanh

Ông Lee Hyuk-Min (Giám đốc cơ quan kiểm dịch Hàn Quốc) cho biết việc đưa vào sử dụng kit xét nghiệm nhanh Covid-19 lúc này là quá sớm. Kit xét nghiệm nhanh dựa trên phát hiện kháng thể chỉ nên sử dụng ở giai đoạn muộn sau khi nhiễm để xác nhận nhiễm bệnh. Kết quả này có thể dùng để thực hiện các nghiên cứu về vắc xin và cách điều trị Covid-19.

Ông Lee nhấn mạnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát nhanh và diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc. Vì vậy, quốc gia này cần thực hiện kit xét nghiệm bằng PCR chứ không nên dùng kit xét nghiệm nhanh.

Giáo sư Shin Hyun-young cũng cho biết, Hàn Quốc có thể thực hiện 20.000 xét nghiệm PCR mỗi ngày nên không cần phải sử dụng kit xét nghiệm nhanh để đẩy lùi Covid-19.

Đồng loạt 6 cơ quan xét nghiệm tại Hàn Quốc cho biết việc dùng kit xét nghiệm nhanh Covid-19 trong công tác kiểm dịch hiện nay là rất nguy hiểm. Độ chính xác của kit rất thấp nên có thể bỏ qua rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh.

Thực trạng kit xét nghiệm nhanh tại Việt Nam

kít xét nghiệm nhanh covid-19

Sau khi nhập khẩu 200.000 kit xét nghiệm nhanh Covid-19 từ Hàn Quốc, Hà Nội đã nhanh chóng thành lập 10 trạm xét nghiệm dã chiến từ ngày 31-3. Người dân Hà Nội xếp thành hàng dài cách nhau 2 mét để được lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm.

Kế hoạch dùng bộ kit xét nghiệm nhanh

Theo Bộ Y tế, 5.000 kit xét nghiệm nhanh sẽ được sử dụng tại Hà Nội nhằm ưu tiên sàng lọc những người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai đang thuộc diện cách ly tại nhà và tập trung.

Sau đó, các kit còn lại sẽ được sử dụng cho công tác phòng dịch để xét nghiệm sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm ở các khu cách ly tập trung người nước ngoài trở về.

Ngoài ra, người có triệu chứng giống nhiễm Covid-19 nếu có nguyện vọng có thể thực hiện sàng lọc bằng kit xét nghiệm nhanh này.

Kết quả xét nghiệm không chính xác

Kết quả sơ bộ sàng lọc 1.000 mẫu phát hiện 3 mẫu nghi ngờ nhiễm bệnh, nhưng xét nghiệm bằng real-time PCR lại cho kết quả âm tính.

Ông Hoàng Đức Hạnh (Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, khi sàng lọc 1.000 mẫu tại 4 quận huyện của Hà Nội thì ghi nhận 3 mẫu nghi nhiễm. Ngay sau đó, mẫu bệnh phẩm dịch mũi, họng từ 3 người nghi nhiễm này đã được gửi đi xét nghiệm lại bằng real-time RT-PCR. Kết quả sáng ngày 1-4-2020 đã cho thấy 3 mẫu nghi Covid-19 qua test nhanh sàng lọc này đều cho kết quả âm tính.

Theo Thanh Niên 2-4-2020, tổng số 1.782 mẫu xét nghiệm tiếp theo tìm ra thêm 3 mẫu nghi nhiễm, nhưng kết quả xét nghiệm PCR vẫn âm tính. Như vậy, kết quả 2.782 mẫu còn lại không phát hiện người nhiễm Covid-19.

Vì sao có sự khác biệt khi xét nghiệm?

Kết quả kit xét nghiệm nhanh nhập khẩu từ Hàn Quốc cho kết quả dương tính nhưng kit xét nghiệm bằng real-time PCR chuẩn WHO lại cho kết quả âm tính. PGS-TS. Trần Đắc Phu – Cố vấn ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (VTV1) giải thích về sự khác biệt này như sau:

Thứ nhất, một người nhiễm virus corona và sau đó khỏi bệnh thì mẫu máu có thể phát hiện kháng thể đặc hiệu với virus corona. Tuy nhiên, virus không còn tồn tại trong cơ thể nên không thể phát hiện sự có mặt của virus ở dịch mũi, họng bằng xét nghiệm real-time PCR.

Thứ hai, kể cả khi kit xét nghiệm nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính thì vẫn không thể khẳng định 100% nhiễm SARS-CoV-2. Chúng ta vẫn cần các phương pháp khác để xác nhận do đặc thù kit xét nghiệm nhanh này có độ chính xác không cao và chưa được coi là phương pháp chuẩn để xét nghiệm Covid-19.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất