Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh phổi tiến triển có thể đe dọa đến tính mạng và gây ra tình trạng khó thở. Ban đầu, bạn chỉ khó thở khi gắng sức nhưng sau đó tình trạng có xu hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Trên toàn cầu, ước tính có 3,17 triệu ca tử vong do căn bệnh này vào năm 2015 (tức là 5% tổng số ca bệnh tử vong trên toàn thế giới).
Nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do tiếp xúc với khói thuốc, kể cả hút thuốc chủ động hay bị động. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm ô nhiễm không khí (trong nhà và môi trường bên ngoài), bụi hay khói từ một số ngành nghề đặc trưng.
Phụ nữ mang thai tiếp xúc với tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà lâu dài có thể gây ảnh hưởng lên thai nhi và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sau này. Một số trường hợp COPD là do hen suyễn thời gian dài.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có chữa được không?
Sự thật là hiện tại không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), nhưng việc điều trị sẽ giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và kiểm soát các triệu chứng phổi tắc nghẽn mạn tính.
Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Ngừng hút thuốc. Nếu vẫn chưa cai được thuốc lá thì đây là điều đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần phải cố gắng thực hiện khi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Sử dụng thuốc và ống hít. Những sản phẩm này sẽ giúp bạn thở dễ dàng hơn.
- Phục hồi chức năng phổi. Đây là một chương trình chuyên biệt gồm các bài tập thể dục và giáp dục sức khỏe cho bệnh nhân COPD.
- Phẫu thuật hoặc ghép phổi. Tuy nhiên, rất ít trường hợp cần phải thực hiện phẫu thuật hay cấy ghép phổi.
Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về các lựa chọn phù hợp trong việc điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính. Bộ Y tế cũng ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính để làm cơ sở xây dựng nên phác đồ điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Vì đây là tài liệu dành cho cán bộ y tế nên sau đây Hello Bacsi chỉ tóm tắt vài ý chính cơ bản và đơn giản nhất có thể để bạn hiểu rõ hơn về các bước điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính.
1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng thay đổi cấp tính các biểu hiện lâm sàng như khó thở tăng, ho tăng, khạc đờm nhiều và thay đổi màu sắc của đờm. Những thay đổi này khiến quá trình điều trị phải thay đổi. Theo thống kê, trung bình mỗi năm một người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có từ 1,5-2,5 đợt cấp tính.
Chẩn đoán
Khi người bệnh đến các cơ sở y tế địa phương, nhân viên y tế cần phát hiện được các dấu hiệu của đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dựa vào các triệu chứng như:
- Ho tăng
- Khó thở tăng
- Khạc đờm tăng hoặc thay đổi màu sắc của đờm, chẳng hạn như đờm chuyển thành đờm mủ