Đừng thờ ơ trước rối loạn cơ xương khớp ở phụ nữ • Hello Bacsi

Related Articles

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Journal Times cho thấy tỷ lệ phụ nữ gặp phải các rối loạn về cơ xương khớp gần gấp đôi so với đàn ông. Những rối loạn này bao gồm nhiều vấn đề ảnh hưởng lên cơ, khớp, gân và dây chằng.

Ngày nay, phụ nữ không những vẫn đảm nhiệm hầu hết công việc nhà và chăm sóc con cái mà còn phải đi làm để có thể tự chủ về tài chính. Thế nhưng, việc hoạt động quá mức cùng với các khác biệt về sinh lý và giải phẫu giữa cơ thể phụ nữ và đàn ông khiến một số rối loạn cơ xương khớp thường xảy ra ở nữ giới hơn.

Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu về những rối loạn cơ xương khớp phổ biến ở phụ nữ, bao gồm những ảnh hưởng của tình trạng này đến lưng dưới, đầu gối, vai và bàn chân. Qua đó, bạn sẽ biết cách điều trị và phòng ngừa như vật lý trị liệu, nắn chỉnh cột sống…

1. Loãng xương

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh loãng xương là tình trạng mật độ khoáng chất của xương ở mức 2.5 SD hoặc dưới mức trung bình của người trưởng thành. Tình trạng này xảy ra ở nữ giới cao gấp 4 lần so với nam giới. Loãng xương dễ dẫn đến gãy xương và vị trí thường bị gãy là đốt xương sống, hông, cổ tay và đầu trên xương cánh tay.

Các yếu tố nguy cơ gây nên loãng xương bao gồm:

  • Tuổi tác: tuổi càng cao càng có nguy cơ bị loãng xương
  • Giới tính: nữ giới có tỷ lệ mắc phải bệnh loãng xương cao hơn nam giới
  • Chủng tộc: người da trắng hoặc người châu Á dễ bị loãng xương hơn
  • Tình trạng nội tiết tố: vô kinh, cường cận giáp, cường giáp, cường chức năng tuyến thượng thận và giảm chức năng tuyến sinh dục

Để dự phòng loãng xương, bạn cần duy trì lượng canxi đầy đủ từ khi còn trẻ và tham gia luyện tập thể dục, giảm cân đều đặn. Tất cả người bệnh đều nên hạn chế hút thuốc và uống rượu hay đồ uống có cồn. Đối với bệnh nhân lớn tuổi thì cần được hướng dẫn các biện pháp phòng chống té ngã như tránh đi vào những địa hình không bằng phẳng, sử dụng thiết bị hỗ trợ khi đi lại…

2. Bệnh về cột sống

Đau thắt lưng ở nữ giới thường là do căng cơ gây nên. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân tiềm ẩn khác, chẳng hạn như gai cột sống gây ra 47% trường hợp đau lưng ở tuổi thanh thiếu niên.

Những nữ vận động viên có cột sống chịu đựng căng giãn quá mức, chẳng hạn như vận động viên thể dục dụng cụ, thợ lặn, trượt băng nghệ thuật, vũ công… có nguy cơ mắc bệnh về cột sống cao hơn người bình thường.

Những bệnh nhân bị đau lưng do thoái hóa cột sống có cơn đau âm ỉ, kéo dài và cảm thấy đau đớn hơn khi giãn cơ quá mức. Cách điều trị giúp bảo tồn cột sống thường là mang đai bảo vệ trong trường hợp cấp tính và tiến hành liệu trình ổn định vùng thắt lưng cho người bệnh mạn tính. Ngoài ra, các phương pháp chữa trị điển hình là tập luyện những bài tập giúp tăng cường sức mạnh của các cơ bắp chính trong cơ thể. Người bệnh có thể trở lại những hoạt động thường ngày khi không còn triệu chứng bệnh.

Vẹo cột sống tự phát ở tuổi thanh thiếu niên cũng phổ biến hơn ở nữ giới. Tuổi, mức độ phát triển của xương và độ cong vẹo cột sống là cơ sở để điều trị tình trạng này ở trẻ vị thành niên, thông thường người bệnh sẽ dùng đai đeo điều chỉnh cột sống.

Nếu nguyên nhân gây đau thắt lưng được xác định là do căng cơ thì điều trị cơ bản là chườm nóng và xoa bóp để giảm co thắt cơ thứ phát. Các tình trạng cứng cơ, cơ bụng yếu và cột sống thắt lưng thiếu linh hoạt nên được khắc phục bằng các bài tập giãn cơ và tăng cường thích hợp.

3. Rối loạn về xương khớp gối

So với đàn ông, phụ nữ thường hay bị đau xương bánh chè và tổn thương dây chằng trước. Nguyên nhân có thể liên quan đến những khác biệt về giải phẫu sinh lý giữa nam và nữ.

Khớp xương bánh chè chịu đến 7 lần trọng lượng cơ thể khi ngồi xổm hay chạy bộ và 50% trọng lượng cơ thể khi đi bộ. Những bất thường xảy ra khi duỗi đầu gối có thể làm tăng áp lực lên khớp nối xương bánh chè và tác động đến sụn khớp, liên quan đến đau, viêm.

rối loạn cơ xương khớp

Các cách điều trị ban đầu thường là nghỉ ngơi, chườm lạnh và thực hiện các biện pháp giảm đau khác. Bệnh nhân cũng nên bắt đầu thực hiện một chương trình phục hồi chức năng để tăng cường sức mạnh cho cơ tứ đầu đùi.

4. Các vấn đề ở vai

Các vấn đề ở vai thường gặp ở phụ nữ bao gồm hội chứng hẹp khoang (impingement), viêm gân chóp xoay (rotator cuff), hội chứng lối thoát ngực (thoracic outlet syndrome) và viêm quanh khớp vai thể đông cứng vai (viêm dính bao khớp vai).

Sự bất ổn định đa chiều ở vai nói chung xảy ra phổ biến ở phái nữ, liên quan đến tình trạng dây chằng lỏng lẻo. Đại đa số người bệnh mắc chứng mất ổn định đa chiều ở vai đáp ứng tốt với điều trị không phẫu thuật.

5. Rối loạn ở xương bàn chân

Những rối loạn xương khớp ở bàn chân và mắt cá chân thường thấy nhất ở phụ nữ là tình trạng biến dạng ngón chân cái (hallux valgus), ngón chân hình búa và u dây thần kinh.

Về mặt giải phẫu, bàn chân của phụ nữ khác với đàn ông ở chỗ phần sau của bàn chân thường hẹp hơn còn chiều rộng phần trước bàn chân to hơn, làm tăng độ lệch vào trong của bàn chân. Ngoài ra, vì tính thời trang và thẩm mỹ, phụ nữ thường mang giày có mũi hẹp hay giày cao gót khiến trọng lượng dồn về phía mũi chân.

Nguyên nhân lớn nhất gây ra những vấn đề về bàn chân ở phụ nữ là do mang giày dép không phù hợp. Do đó, thay đổi giày dép đi lại hàng ngày là điều đầu tiên bạn cần phải làm để bảo vệ cấu trúc tự nhiên của xương bàn chân.

6. Nứt gãy xương

Các nghiên cứu cho thấy tình trạng nứt gãy xương xảy ra ở nữ giới phổ biến hơn nam giới. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ sự khác biệt này là từ những khác biệt về thể chất hay mật độ xương, nội tiết tố hoặc cơ chế sinh học.

Để ngăn ngừa nứt gãy xương, bạn nên tránh luyện tập quá mức, sử dụng giày thể thao phù hợp và chú ý thực hiện đúng kỹ thuật khi vận động.

Nói chung, những khác biệt về giải phẫu, sinh lý, nội tiết và cả áp lực xã hội khiến cho một số rối loạn cơ xương khớp xảy ra phổ biến hơn ở nữ giới. Vậy nên, tìm hiểu về những chấn thương và rối loạn cơ xương khớp cũng như những vấn đề sức khỏe đặc trưng ở phái nữ sẽ giúp bạn phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Nhẹ nhàng vượt qua các rối loạn cơ xương khớp ở phụ nữ

Hầu hết rối loạn cơ xương khớp đều đáp ứng tốt với các liệu pháp trị liệu thần kinh cột sống, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng kết hợp với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý. Tuy nhiên, người bệnh cần có bác sĩ và các chuyên gia trị liệu giúp xây dựng một liệu trình điều trị và hướng dẫn, theo dõi các bài tập.

Những thông tin trên hy vọng giúp bạn hiểu thêm phần nào về những rối loạn cơ xương khớp đáng chú ý ở nữ giới. Từ đó, bạn sẽ thấu hiểu và quan tâm đến những người phụ nữ luôn chăm sóc, yêu thương bạn mỗi ngày.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất