Đồng hành điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em cùng con: Gian nan và cần tinh thần “thép” • Hello Bacsi

Related Articles

Mẹ và con – 2 chiến binh sát cánh bên nhau trong quá trình điều trị bệnh ung thư máu

bệnh ung thư máu ở trẻ em

Mẹ: “Nhìn con đau đớn nhưng không thể nào chịu thay con”

“Mình mãi vẫn chưa thể quen được cảm giác đau và xót khi nhìn con làm những thủ thuật điều trị vô cùng đau đớn mà mình không thể thực hiện thay. Mình nhớ lúc trước khi truyền hóa chất, con phải làm thủ thuật tạo buồng tiêm dưới da (hệ thống bao gồm ống thông và buồng tiêm trong đó ống thông được đặt vào tĩnh mạch lớn trung tâm) để sau này dễ vô kim tiêm nhiều lần. Khi bác sĩ làm xong, bé được đẩy ra ngoài mà vẫn còn bị gây mê, mình nhìn thấy con thì không cầm được nước mắt.”, chị Phương Huyền bộc bạch.

Con: Chiến binh nhỏ quả cảm

Chị Huyền chia sẻ: “Trong quá trình điều trị, khi làm thủ thuật, bé sẽ có những đợt phải chịu rất nhiều đau đớn, chẳng hạn như lấy tủy sống. Quá trình làm tủy thì ai chứng kiến rồi mới thấy, đến bây giờ mình vẫn không dám nhìn mỗi khi bác sĩ thực hiện vì sợ. Thế nhưng, Tuệ Mẫn rất mạnh mẽ, bé không có khóc.

Còn nhiều đợt thực hiện các thủ thuật khác cũng rất đau, chẳng hạn như là tiêm dịch não tủy. Khi làm việc này, các bé còn nhỏ sẽ được gây mê, bé lớn thì sẽ gây tê. Ban đầu, Tuệ Mẫn cũng gây mê, nhưng vì mình muốn tốt cho con nên mình khuyên con nên làm sống, nghĩa là không tê hay gây mê gì hết. Rất là thương khi con nghe theo lời mình và mỗi lần tiêm xong, dù đau con vẫn vui vẻ, lạc quan. Đó là lý do mà mình càng thấy thương và khâm phục sự mạnh mẽ của con hơn.”

Thực tế, trẻ bị ung thư máu chắc chắn sẽ có đôi phần thiệt thòi, các em phải dành phần lớn thời gian trong bệnh viện, trải qua nhiều đợt hóa trị, chịu nhiều đau đớn về mặt thể chất. Ngoài ra, việc nói với con về căn bệnh cũng cần sự khéo léo, tinh tế từ cha mẹ.

Chị Huyền chia sẻ thêm: “Bé nhà mình cũng vô tư, bé chỉ biết là bị lympho nên gây ra tình trạng nhức chân. Mình cứ nói với con là con đang chữa cho hết nhức chân và bé tin như vậy. Khi vào bệnh viện, thấy nhiều bạn cũng mắc bệnh như mình thì bé thấy bệnh này hết sức bình thường nên vui vẻ đón nhận, không có gì quá nặng nề”.

Tiên lượng điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em, chia sẻ từ bác sĩ chuyên khoa

Theo BS Trần Kiến Bình, trẻ nhỏ khi mắc bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư máu, sẽ có xu hướng cảm thấy sợ hãi nhân viên y tế và môi trường bệnh viện. Đặc biệt là hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Đáng lẽ được sinh hoạt, vui chơi cùng gia đình và bạn bè thì các bệnh nhi lại phải dành phần lớn thời gian cho việc điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm lý cũng như sự phát triển về tâm thần, vận động của bé.

Ngoài việc chịu ảnh hưởng của các triệu chứng do bệnh gây ra, các bé cũng sẽ chịu tác động của quá trình chẩn đoán ung thư máu như lấy máu xét nghiệm, chọc tủy, đặt buồng tiêm dưới da, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, tiếp xúc với tia X trong một số phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh. Việc nhận chẩn đoán xác định là mắc bệnh ung thư cũng đồng nghĩa với việc làm chậm trễ hay gián đoạn quá trình học hỏi. Tuổi thọ của bé sẽ giảm sút rất nhiều so với các bé không mắc bệnh ung thư máu ở trẻ em.

Tiên lượng bệnh lymphoma ở trẻ em, đặc biệt là giai đoạn muộn đã cải thiện đáng kể trong suốt những năm gần đây. Tỷ lệ sống còn 5 năm của lymphoma trẻ em đạt gần 90% với giai đoạn sớm và 70% với giai đoạn muộn.

Các yếu tố tiên lượng ung thư máu ở trẻ em bao gồm:

  • Giai đoạn bệnh: Giai đoạn càng trễ thì tiên lượng càng xấu.
  • Nồng độ LDH: Nồng độ càng cao thì tiên lượng càng xấu.
  • Tình trạng xâm nhập tủy xương: Nếu có xâm nhập sẽ tiên lượng xấu hơn.
  • Tình trạng xâm nhập hệ thần kinh trung ương: Nếu có xâm nhập sẽ tiên lượng xấu hơn.

Giai đoạn bệnh và mô bệnh học độ ác tính cao là 2 yếu tố tiên lượng không thuận lợi quan trọng trong lymphoma ở trẻ em.

Hành trình điều trị cùng con: Hãy luôn giữ tinh thần “thép”

“Khuyến khích để con được làm điều con thích”

điều trị ung thư máu ở trẻ em

Với trẻ mắc ung thư máu, việc các con được cha mẹ động viên, khuyến khích làm những điều yêu thích và có những khoảnh khắc vui vẻ sẽ là một động lực to lớn thúc đẩy tinh thần cũng như giúp con quên đi những mệt nhọc, đau đớn.

“Mình khuyến khích việc tạo cơ hội để con được làm điều con thích. Con thích chơi game thì mình cho chơi chứ không cấm nữa. Mỗi đợt con làm tủy đồ hay tiêm dịch não tủy xong, mình khích lệ con bằng cách tặng kim cương cho con chơi game.

Khi có cơ hội, mình dẫn con mình đi chơi, để con có thêm trải nghiệm và kết nối với thiên nhiên. Cả gia đình đã tổ chức một chuyến đi Tây Ninh cùng nhau, bé nhà mình đã có khoảng thời gian gần gũi với rừng cây, sông núi và ở bên cạnh gia đình. Đối với mình, hạnh phúc nhất là được nhìn thấy các con vui chơi, làm những điều con thích, gia đình quây quần bên nhau, vậy là đủ!”, chị Huyền bộc bạch.

Con bị ung thư máu ở trẻ em, cha mẹ hãy luôn giữ tinh thần “thép”

BS Trần Kiến Bình chia sẻ: Việc điều trị ung thư máu ở trẻ em nói riêng, các bệnh ung thư khác ở trẻ nói chung, thời gian và sự kiên trì là yếu tố quyết định. Thời gian sẽ không tính bằng tháng mà cần được tính bằng năm. Do đó, để quá trình điều trị của con được nhẹ nhàng và thành công, sự hỗ trợ của cha mẹ là rất quan trọng.

Cũng là những người cha, người mẹ nên các bác sĩ thấu hiểu sức khỏe trẻ là rất quan trọng, nhất là khi con mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư máu ở trẻ em, một bệnh có tốc độ tiến triển rất nhanh và tiên lượng xấu.

Chúng ta thường nguyện đánh đổi sức khỏe hay thậm chí là tuổi thọ để đổi lấy những gì tốt đẹp nhất cho con. Nhưng thực tế, chỉ có tâm lý vững vàng và tình yêu thương vô bờ bến mới là “phương thuốc” tốt nhất, là chỗ dựa vững chắc để bé đương đầu với bệnh tật và quá trình điều trị bệnh ung thư máu.

Theo BS Kiến Bình, cha mẹ hãy luôn giữ cho mình một tinh thần “thép” và lạc quan để có thể động viên bé trong suốt thời gian điều trị. Quan điểm hiện nay của bác sĩ điều trị ung thư sẽ không giấu bệnh nhân về căn bệnh ác tính như trước đây mà sẽ chia sẻ và cùng đồng hành với bệnh nhân. Tuy nhiên, với các bệnh nhi do sự phát triển tâm lý, tinh thần, tâm thần, vận động của các bé còn chưa hoàn thiện, bác sĩ vẫn luôn ủng hộ gia đình không nên cho bé biết về căn bệnh quái ác này. Thay vào đó, hãy chăm sóc bé thật tốt bằng việc chú ý về vấn đề vệ sinh, dinh dưỡng, vui chơi, học tập, yêu thương, động viên con và tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất