Di chứng ở những người bị COVID-19: Bệnh nhẹ hay đã khỏi bệnh vẫn có thể gặp phải

Related Articles

Ảnh tác giảbadge

COVID-19 là một căn bệnh nguy hiểm, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Theo ghi nhận, hiện nay, ở một số người dù đã khỏi bệnh nhưng các di chứng hậu COVID-19 vẫn còn tồn tại. Vậy, các di chứng ở những người bị COVID-19 là gì?

Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được các di chứng ở những người bị COVID-19, từ đó có cách chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Các triệu chứng kéo dài sau khi khỏi COVID-19

Thời gian phục hồi sau khi mắc COVID-19 của mỗi người là khác nhau. Hầu hết những người mắc bệnh COVID-19 đều cảm thấy tốt hơn sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn tiếp tục có các triệu chứng của COVID-19 kéo dài hơn sau khi khỏi bệnh. Đây gọi là hội chứng hậu COVID-19, hay hội chứng sau nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính (PASC).

Những bệnh nhân này không còn virus SARS-CoV-2 trong cơ thể, thậm chí, khi được kiểm tra bằng test RT-PCR, kết quả đều âm tính. Thế nhưng, sức khỏe của những người từng nhiễm phải loại virus này lại bị suy nhược trầm trọng. Thống kê ghi nhận, khoảng 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính của bệnh. Trong đó, 20% trường hợp phải tái nhập viện, 80% phải theo dõi chăm sóc trong vòng hai tháng sau xuất viện.

Người lớn tuổi và những người bị bệnh nền có nhiều nguy cơ gặp phải các triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19. Mặc dù vậy, những người trẻ tuổi, người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 dạng nhẹ cũng đều có thể bị hội chứng này. Dữ liệu cho thấy, khoảng 1/5 bệnh nhân từ 18-34 tuổi, dù không nhập viện, không triệu chứng vẫn bị hội chứng hậu COVID-19.

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến kéo dài theo thời gian bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Hụt hơi, khó thở
  • Ho
  • Đau khớp
  • Đau, tức ngực
  • Các vấn đề với trí nhớ và sự tập trung (hội chứng “sương mù não”)
  • Khó ngủ, mất ngủ
  • Tim đập nhanh
  • Chóng mặt khi đứng
  • Mất mùi vị (thay đổi khứu giác hoặc vị giác)
  • Đau cơ hoặc đau đầu
  • Trầm cảm và lo âu
  • Ù tai, đau tai
  • Cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn
  • Sốt, đau họng
  • Phát ban
  • Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau các hoạt động thể chất hoặc tinh thần

Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê , chỉ trong hơn 40 ngày từ 01/12/2021 đến 10/01/2022, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận 1.021 bệnh nhân đến khám do các vấn đề sức khỏe hậu COVID-19. Trong đó, 510 người bị các triệu chứng hô hấp, 182 người có các vấn đề về thần kinh, 134 trường hợp mắc các triệu chứng tim mạch, 180 bệnh nhân bị bệnh về nội tiết, 66 ca có bệnh lý tiêu hóa và 49 người gặp triệu chứng cơ xương khớp.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM. Hiện nay, trung bình một ngày bệnh viện có 150 – 180 bệnh nhân hậu COVID-19 đến khám. Trong một tháng vừa qua, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân bị hậu COVID-19, bao gồm các ca bị khó thở, đuối sức, hụt hơi, rụng tóc, nhanh mệt khi làm việc…

Tìm hiểu thêm Điều trị COVID-19 bao lâu thì khỏi? 3 giai đoạn nhiễm COVID-19 bạn cần biết!

Ảnh hưởng đa cơ quan ở những người bị mắc COVID-19

di chứng sau nhiễm Covid-19

Mặc dù COVID-19 được xem như một căn bệnh gây tổn thương chủ yếu đến phổi, nhưng nhiều cơ quan nội tạng khác cũng có thể bị ảnh hưởng, như tim, thận và não. Tổn thương đa cơ quan có thể gây ra các biến chứng sức khỏe sau khi bị bệnh COVID-19, bao gồm các vấn đề về hô hấp, tim mạch, thận, thần kinh và hội chứng Guillain-Barre…

Không những thế, một số người từng bị COVID-19 có thể mắc bệnh tự miễn. Các tình trạng tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể do nhầm lẫn, gây viêm (sưng đau) hoặc tổn thương mô ở những bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng.

Mặc dù rất hiếm nhưng vẫn có người, chủ yếu là trẻ em, gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống (Multisystem inflammatory syndrome – MIS) trong khi hoặc ngay sau khi nhiễm COVID-19. Đây là tình trạng viêm ở các bộ phận cơ thể khác nhau có thể dẫn đến các di chứng sau khi mắc COVID-19.

Một số di chứng ở những người bị COVID-19 liên quan đến tổn thương nội tạng là:

  • Tim: Dù là những người nhiễm COVID-19 nhẹ hay nặng đều có thể bị các di chứng về tim. Nhiều tháng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh, các xét nghiệm hình ảnh cho thấy rằng cơ tim bị tổn thương lâu dài. Một số biểu hiện phổ biến là khó thở và tim đập nhanh. Điều này có thể làm tăng nguy cơ suy tim hoặc các biến chứng tim khác trong tương lai.
  • Phổi: Virus SARS-CoV-2 gây ra tình trạng viêm phổi bằng cách làm tổn thương các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi. Về lâu dài, việc các mô sẹo được hình thành có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp.Điển hình là trường hợp của một bệnh nhân nữ 30 tuổi từng khỏi COVID-19 nặng (phải thở oxy lưu lượng cao trong quá trình điều trị) cách đây khoảng 6 tuần. Khi tái khám hậu COVID-19 và chụp CT phổi, kết quả hình ảnh CT lồng ngực ghi nhận phổi kín mờ. Hơn nữa, bệnh nhân chỉ cần đi khoảng 10 bước là nồng độ oxy máu đã tụt từ bình thường xuống còn 83-84%. Đây là mức độ suy hô hấp.
  • Não bộ: COVID-19 có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ của người đã khỏi bệnh, làm tăng nguy cơ đột quỵ, co giật và hội chứng Guillain-Barre. Những người trẻ tuổi vẫn có thể gặp phải vấn đề này. Các di chứng khác sau khi bị COVID-19 có thể là bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.

Tìm hiểu thêm Người nhiễm biến thể COVID-19 Omicron có triệu chứng gì?

Di chứng ở những người bị COVID-19: Các vấn đề về mạch máu và cục máu đông

COVID-19 có thể làm cho các tế bào máu dễ tụ lại và hình thành cục máu đông. Trong khi các cục máu đông lớn có thể gây ra các cơn đau tim và đột quỵ, phần lớn các tổn thương tim do COVID-19 gây ra được cho là xuất phát từ các cục máu đông rất nhỏ làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ (mao mạch) trong cơ tim.

Các bộ phận khác của cơ thể bị ảnh hưởng bởi cục máu đông bao gồm phổi, chân, gan và thận. COVID-19 cũng có thể làm suy yếu các mạch máu nhỏ và khiến chúng bị rò rỉ, từ đó gây ra các vấn đề lâu dài về gan và thận.

Các vấn đề sức khỏe tinh thần sau COVID-19

di chứng ở những người bị Covid-19

Sau khi khỏi bệnh COVID-19, một số người vẫn còn lo lắng kéo dài, trầm cảm và bị các vấn đề sức khỏe tinh thần khác. Nguyên nhân là vì hầu hết những người này đều từng phải đối mặt với các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19, cũng như trải qua quá trình điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện với sự hỗ trợ cơ học của máy thở. Không những thế, thời gian cách ly lâu, kèm theo các khó khăn về tài chính, mất việc làm, mất người thân, mất sức khỏe… cũng khiến nhiều người có tiền sử COVID-19 mắc phải hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Điều này cho thấy, một trong những di chứng ở những người bị COVID-19 là các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Các trường hợp này thường có quá trình hồi phục nhận thức và thể chất đặc biệt khó khăn. Thậm chí, các nhà tâm lý học phục hồi chức năng còn cho rằng, thời gian điều trị trong ICU lâu dài có thể gây ra mê sảng. Lý do là vì trong khi chữa bệnh, bệnh nhân đã được sử dụng nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, kèm theo sự thay đổi môi trường sống, cảm giác bị cô lập, mất tự do, mất kiểm soát có thể khiến người bệnh có cảm giác kinh hoàng hoặc sợ hãi kéo dài và tái diễn.

Bạn có thể quan tâm Thuốc điều trị Covid-19 của Việt Nam: Những thông tin mới nhất

Một số vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn khác

Nghiên cứu cho thấy, một trong những di chứng ở những người bị COVID-19 là bệnh tiểu đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường loại 2. Mặc dù không phải đa số, nhưng một số người dường như đang bắt đầu có các dấu hiệu của bệnh tiểu đường loại 2 sau khi khỏi COVID-19. Một số di chứng khác có thể xảy ra như mất khứu giác hoặc vị giác.

Hiện, rất khó dự đoán hậu quả lâu dài từ virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học đang xem xét những tác động lâu dài của các virus liên quan, chẳng hạn như virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS). Nhiều người khỏi bệnh SARS mắc phải hội chứng mệt mỏi mãn tính. Đây là một chứng rối loạn phức tạp đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi cực độ. Tình trạng này càng trầm trọng hơn khi họ hoạt động thể chất hoặc tinh thần, nhưng lại không hề được cải thiện khi nghỉ ngơi. Các nhà khoa học cho rằng, đây cũng có thể là di chứng ở những người bị COVID-19.

Những di chứng ở những người bị COVID-19 vẫn đang được nghiên cứu thêm. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo rằng các bác sĩ nên quan sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người đã khỏi COVID-19, để xem các cơ quan của người bệnh hoạt động như thế nào sau khi hồi phục.

Hiện nay, gần 2% dân số Việt Nam mắc COVID-19. Tuy nhiên, chưa có số liệu đầy đủ về tình hình hậu COVID-19 trong cộng đồng. Tại TP. HCM, có hơn nửa triệu người dân mắc COVID-19. Trong đó, hơn 300.000 người từng nhập viện với mức độ bệnh từ trung bình đến nặng và nguy kịch. Điều này đặt ra nhiều nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19.

Tuy những di chứng ở những người bị COVID-19 là nguy hiểm, nhưng cần nhớ rằng hầu hết những người nhiễm COVID-19 đều phục hồi nhanh chóng. Điều quan trọng là phải tránh nguy cơ bị tái nhiễm bệnh bằng cách tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, bao gồm đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, chủng ngừa đầy đủ

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các di chứng ở những người bị COVID-19, để từ đó có cách chăm sóc sức khỏe phù hợp.


Học hỏi thêm cách bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình trong mùa dịch.

Cơ hội kết nối trực tiếp với bác sĩ và trao đổi kinh nghiệm hồi phục từ COVID-19 cùng các thành viên khác. Click tham gia ngay!


Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất