Đau mắt đỏ có đến 19 dấu hiệu, liệu bạn đã biết hết chưa? • Hello Bacsi

Related Articles

    Đau mắt đỏ có đến 19 dấu hiệu, liệu bạn đã biết hết chưa?

    Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi vào mọi thời điểm trong năm. Đa phần, bệnh rất dễ phát hiện thông qua dấu hiệu đau mắt đỏ điển hình là đôi mắt đỏ ngầu. Tuy nhiên, thực tế, căn bệnh này còn có rất nhiều triệu chứng khác mà không phải ai cũng biết.

    Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là bệnh khá lành tính, dù gây kích thích mắt nhưng rất dễ điều trị và không làm ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Tuy nhiên, bệnh vẫn có tỷ lệ biến chứng khoảng 20% nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho đôi mắt, bạn vẫn nên nắm rõ các dấu hiệu đau mắt đỏ để sớm xác định nguyên nhân và xử lý đúng cách. Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để biết thêm một số thông tin hữu ích về bệnh đau mắt đỏ nhé.

    Đau mắt đỏ và những nguyên nhân thường gặp

    Đau mắt đỏ là tình trạng kết mạc, phần màng trong suốt giữa mí mắt và tròng trắng (phần trắng của nhãn cầu) bị sưng lên do viêm, gây đỏ và đau nhức. Bệnh có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và mất thẩm mỹ nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực. Đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm nên khi mắc phải, bạn cần được cách ly và điều trị càng sớm càng tốt để tránh lây cho người khác.

    Có rất nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ nhưng chủ yếu thường là do:

    • Virus: Là nguyên nhân hay gặp nhất với thủ phạm chính là virus Adeno. Đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan qua môi trường, qua sự tiếp xúc gần, qua các tia bọt bắn ra khi nói chuyện hoặc qua việc dụi mắt rồi dùng tay quệt, bôi lên các vật dụng.
    • Vi khuẩn: Thường là do liên cầu, tụ khuẩn, phế cầu gây ra. Bạn có bị nhiễm khuẩn do tiếp xúc với các bề mặt không sạch sẽ. Đau mắt do vi khuẩn có thể khiến mắt bạn rất đau và bắt đầu chảy mủ (dịch tiết màu vàng).
    • Dị ứng: Diễn ra theo mùa, thường là do các chất kích thích ngoài trời như phấn hoa, lông động vật (vảy da) hoặc bụi. Khi bị đau mắt đỏ do dị ứng, mắt bạn có thể cảm thấy ngứa, sưng và đôi khi bị khô mắt.

    19 dấu hiệu đau mắt đỏ mà bạn không nên bỏ qua

    Bệnh đau mắt đỏ thường bắt đầu từ một bên mắt, sau đó mới lây sang bên mắt thứ hai trong vài ngày. Triệu chứng chủ yếu của bệnh thường là:

    1. Đỏ mắt: Đây là triệu chứng điển hình, báo trước bệnh đau mắt đỏ
    2. Khô mắt: Biểu hiện bệnh đau mắt đỏ thường gặp
    3. Ngứa hoặc rát mắt: Ngứa và rát dữ dội trong mắt
    4. Cộm, xốn, khó chịu ở mắt: Bạn có thể cảm thấy khó chịu giống như có hạt cát trong mắt

    Ngoài những triệu chứng chung thường gặp, tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau mắt đỏ mà bạn có thể gặp phải các triệu chứng đặc trưng:

    Đau mắt đỏ do dị ứng:

    1. Chảy nhiều nước mắt
    2. Ngứa, 2 bên khóe mắt có ghèn
    3. Mí mắt sưng đỏ
    4. Viêm mũi dị ứng
    5. Nổi mẩn đỏ

    Đau mắt đỏ do vi khuẩn:

    1. Đổ nhiều ghèn màu xanh, vàng dính chặt 2 mi mắt vào buổi sáng
    2. Mắt mờ, giảm thị lực
    3. Đau liên tục trong mắt

    Đau mắt đỏ do virus

    1. Nhạy cảm với ánh sáng
    2. Mệt mỏi
    3. Sốt nhẹ
    4. Đau họng
    5. Sưng hạch bạch huyết trước tai

    Với những trường hợp nặng, mắt của bạn có thể bị

    1. Phù đỏ
    2. Xuất huyết dưới kết mạc

    Đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu bị bệnh

    Điều trị bệnh đau mắt đỏ như thế nào?

    Việc điều trị đau mắt đỏ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

    Nếu là do virus: Bệnh sẽ tự khỏi sau 4 đến 7 ngày. Đau mắt đỏ do virus rất dễ lây, vì vậy bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây lan sang cho người khác. Ngoài ra, bạn cũng không nên tự ý sử dụng kháng sinh bởi kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn chứ không tiêu diệt được virus. Nếu bạn dùng không đúng, bệnh không những không thuyên giảm mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe.

    Khi bị đau mắt đỏ do nhiễm virus, bạn có thể:

    • Tự chườm lạnh để giảm triệu chứng phù nề
    • Rửa mắt bằng nước lạnh, sạch và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo.
    • Làm sạch ghèn mắt bằng một chiếc khăn ấm, ẩm.

    Nếu là do vi khuẩn: Bác sĩ sẽ cho bạn dùng kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ hoặc thuốc uống. Bạn có thể phải bôi thuốc vào bên trong mí mắt từ 3 đến 4 lần một ngày trong vòng 5 đến 7 ngày. Khi dùng kháng sinh, hãy nhớ sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tự ý ngưng thuốc nhé.

    Nếu là do chất kích thích: Bạn cần sử dụng nước để rửa sạch mắt trong khoảng 5 phút và mắt của bạn sẽ dần hồi phục trong vòng 4 giờ. Nếu bạn bị viêm kết mạc do axit hoặc kiềm như bị dính thuốc tẩy vào mắt, hãy rửa nhiều lần với nước và đi khám ngay.

    Nếu là do dị ứng: Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc kháng histamin (dạng uống hoặc thuốc nhỏ) để giúp cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.

    Phòng ngừa đau mắt đỏ không khó như bạn nghĩ

    Đau mắt đỏ là bệnh rất dễ lây lan thông qua tiếp xúc gần, tuy nhiên việc phòng tránh không khó như bạn nghĩ. Để phòng ngừa, bạn có thể thử một số bí quyết sau:

    • Tránh tiếp xúc trực tiếp với bất cứ ai đang bị đau mắt đỏ
    • Không chạm mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay
    • Không sử dụng chung khăn tắm, khăn lau mặt và gối với bất cứ ai
    • Không dùng chung mỹ phẩm trang điểm mắt với những người khác
    • Tránh xa những tác nhân gây dị ứng
    • Che mũi, miệng khi hắt hơi và hạn chế dụi tay vào mắt, đặc biệt là khi tay không sạch
    • Hạn chế đi đến những nơi đông người trong mùa dịch như bệnh viện, siêu thị, các trung tâm vui chơi giải trí…
    • Thường xuyên giặt drap trải giường, vỏ gối và khăn tắm
    • Đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt khi phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại
    • Những người bị dị ứng nên chuẩn bị sẵn thuốc kháng histamin (thuốc chống dị ứng) để ngăn ngừa các triệu chứng đau mắt đỏ trước khi mùa dị ứng bắt đầu
    • Nếu bạn sử dụng kính áp tròng, hãy làm sạch kính áp tròng và hộp đựng kính đúng cách.

    Ngoài những lưu ý trên, một trong những thói quen quan trọng nhất mà bạn không được quên đó là giữ vệ sinh cá nhân cẩn thận bằng cách rửa tay thường xuyên và đảm bảo vệ sinh thân thể.

    Để đảm bảo tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn, bạn và người thân trong gia đình nên chuẩn bị sẵn một chai nước rửa tay bỏ túi để vệ sinh mọi lúc mọi nơi.

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

    Bình Luận

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Advertismentspot_img

    Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất