Dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh – Bệnh được chẩn đoán bằng phương pháp nào?

Related Articles

Ảnh tác giảbadge

Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn, xảy ra ngay từ lúc còn ở thời kỳ bào thai. Bệnh tim bẩm sinh còn được hiểu là các dị tật (khuyết tật) tim bẩm sinh. Đây là những vấn đề có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và cách thức mà tim của trẻ hoạt động. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh thường không khó phát hiện nhưng điều này cũng không có nghĩa là bệnh luôn được phát hiện sớm.

Nói cách khác thì đối với mỗi trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, thời điểm xuất hiện các triệu chứng thường không giống nhau. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên theo dõi chặt chẽ sự phát triển của trẻ và trang bị những kiến thức cần thiết về bệnh tim bẩm sinh để đưa con đi khám kịp thời ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Bệnh tim bẩm sinh gồm 2 loại: tim bẩm sinh tím sớm và tim bẩm sinh không tím.

Bệnh tim bẩm sinh không tím:

  • Tăng gánh thể tích cho thất: thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, kênh nhĩ thất
  • Tăng gánh áp lực cho thất (hẹp đường máu ra khỏi tâm thất): hẹp động mạch chủ, động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ.

Bệnh tim bẩm sinh tím:

  • Lưu lượng máu lên phổi giảm: tứ chứng Fallot, teo van động mạch phổi, teo van 3 lá và các bệnh lý tim một thất có kèm hẹp phổi
  • Pha trộn máu, lưu lượng máu lên phổi tăng: Chuyển vị đại động mạch, thân chung động mạch
  • Các loại tim bẩm sinh hay gặp là thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, còn lỗ bầu dục.

Dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh giúp bạn dễ nhận biết

Mặc dù bệnh tim bẩm sinh phát triển ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ nhưng không phải lúc nào các triệu chứng của bệnh cũng xuất hiện ngay khi bé chào đời. Thế nên, đôi khi, bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh ngay từ năm đầu đời nhưng vẫn có trường hợp bệnh được phát hiện muộn hơn khi trẻ đã đến tuổi đi học.

Đối với trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh, bạn có thể phát hiện sớm qua một số dấu hiệu như:

  • Cáu gắt, quấy khóc thường xuyên
  • Khó thở, thở nhanh
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Làn da, môi, móng tay và móng chân xanh xao, nhợt nhạt bất thường
  • Bú kém, khó cho bú
  • Khó tăng cân và chậm phát triển.

dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh

Đối với trẻ đi học và thanh thiếu niên, dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh có thể bao gồm những triệu chứng sau:

  • Thường xuyên mệt mỏi, yếu ớt
  • Khó thở, nhịp tim bất thường
  • Thường xuyên chóng mặt, dễ ngất xỉu
  • Trẻ bị tim bẩm sinh thường chậm tăng trưởng và khó thở, hụt hơi, mệt mỏi khi vận động thể chất.

Bệnh tim bẩm sinh được chẩn đoán bằng những phương pháp nào?

Như đã đề cập, bệnh tim hoặc các dị tật tim bẩm sinh không phải lúc nào cũng được phát hiện ngay sau khi em bé chào đời. Vì vậy, việc có thể nhận biết các dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh trong quá trình nuôi con là rất quan trọng. Nếu phát hiện con của bạn có những dấu hiệu mắc bệnh tim, bạn cần phải đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ chẩn đoán chính xác. Các phương pháp chẩn đoán hiện nay thường bao gồm:

Khám sức khỏe

Việc khám sức khỏe thường dựa trên những quan sát bên ngoài như làn da, môi, móng tay xanh xao, nhợt nhạt… hoặc bác sĩ sẽ đặt câu hỏi đối với trẻ lớn hơn để có thông tin cho việc chẩn đoán. Tiếp theo, bác sĩ thường sử dụng ống nghe để nghe những âm thanh bất thường của tim nhằm chẩn đoán một số vấn đề. Ngoài ra, các tĩnh mạch ở cổ nổi lên khi trẻ ở trạng thái nghỉ ngơi cũng có thể là dấu hiệu cho thấy tim bơm máu không hiệu quả.

Siêu âm tim giúp nhận biết các dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh

dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh

Siêu âm tim được thực hiện bằng cách đưa một đầu dò phát ra sóng âm tần số cao vào thực quản của bệnh nhân nên đây là phương pháp cần được gây mê. Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể xem xét các cấu trúc, chức năng của tim một cách chi tiết.

So với siêu âm thường, siêu âm tim 3D giúp bác sĩ có cái nhìn chính xác về cơ quan tim mạch và cách mà nó hoạt động. Vì vậy, phương pháp này cho phép bác sĩ đo chính xác kích thước, hình dạng và vị trí của bất kỳ loại khuyết tật tim nào. Chính vì sự tối ưu này mà siêu âm tim 3D thường được sử dụng trong việc lập kế hoạch phẫu thuật.

Đo điện tim (điện tâm đồ)

Đo điện tim là phương pháp ghi lại hoạt động điện học của tim. Những xung điện do tế bào cơ tim phát ra được ghi lại dưới dạng đồ thị. Qua đó, điện tâm đồ có thể giúp xác định nhịp tim bất thường do các dị tật tim bẩm sinh gây ra.

Khi tiến hành đo điện tim, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ đặt 12 miếng dán có chứa các điện cực nhỏ lên ngực, cánh tay và chân của trẻ. Đo điện tim sẽ không gây đau nên không cần dùng thuốc an thần và thường thu được kết quả sau vài phút.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp CT cho tim

Đối với hai phương pháp chụp MRI và chụp CT cho tim, trẻ được sử dụng thuốc an thần nhẹ để giữ bé nằm yên trong quá trình kiểm tra. Sau đó, thông tin từ chụp CT và MRI có thể được sử dụng để tạo mô hình tim 3 chiều. Mô hình này cho phép bác sĩ xem được vị trí và kích thước của các khuyết tật tim nhằm xác định phương pháp điều trị tốt nhất.

Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại thì bệnh tim bẩm sinh không còn là căn bệnh quá nguy hiểm. Trên thế giới có nhiều trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng vẫn có thể sống và trưởng thành bình thường. Vì vậy, bạn cũng đừng quá lo lắng nếu phát hiện các dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh nhé! Điều quan trọng là bạn nên sớm đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn chăm sóc trẻ bị bệnh tim đúng cách.


Giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cùng hơn 5.000 bố mẹ khác

Vừa bỏ túi bí quyết chăm sóc bé yêu miễn phí vừa có cơ hội nhận quà hàng tháng tại cộng đồng Nuôi dạy con. Click đăng ký ngay!


Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất