Phần lớn các bệnh rối loạn tâm thần đều không xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có sự kết hợp của nhiều yếu tố như di truyền, các yếu tố sinh học, rối loạn tâm lý và các áp lực từ môi trường bên ngoài.
1. Di truyền học
Chứng rối loạn tâm thần có thể được di truyền qua các thế hệ. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình mà cha mẹ hoặc ông bà có tiền sử mắc bệnh tâm thần sẽ dễ bị tổn thương hơn.
2. Yếu tố sinh học
Sự mất cân bằng giữa các chất hóa học (hay còn gọi là chất dẫn truyền thần kinh) trong não bộ là nguyên nhân của một số rối loạn tâm thần, cũng như chấn thương não hay dị tật bẩm sinh.
3. Chấn thương tâm lý
Tình trạng từng bị ngược đãi tâm lý, bị bỏ rơi, lạm dụng thể chất hay tình dục có thể là nguyên nhân dẫn đến chấn thương tâm lý và gây ra bệnh tâm thần ở một số trẻ em.
4. Môi trường căng thẳng
Một số sự cố gây chấn thương nghiêm trọng về thể chất hay tinh thần như việc mất đi người thân yêu hoặc gặp tai nạn nguy hiểm cũng có thể dẫn đến rối loạn tâm thần, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm thần.
Dấu hiệu và triệu chứng rối loạn tâm thần ở trẻ em
Nhiều bệnh tâm thần ở trẻ em thường bị bỏ qua và không được điều trị kịp thời. Sau đây là một số dấu hiệu cũng như triệu chứng mà bạn cần để tâm đến để có thể phát hiện ra các chứng rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ ngay từ những giai đoạn sớm.
1. Thay đổi tâm trạng
Trẻ có những nỗi buồn kéo dài hơn một vài tuần và tâm trạng thay đổi liên tục dẫn đến các vấn đề ở nhà cũng như ở trường.
2. Có những cảm giác mãnh liệt
Trẻ thường bị bao vây bởi những cảm giác rất mãnh liệt và xuất hiện không có cơ sở. Những cảm giác này đôi khi đi kèm với tình trạng nhịp tim nhanh hay thở nhanh. Biểu hiện này đặc trưng bởi cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng quá mức, gây ra ảnh hưởng đến những hoạt động hàng ngày.
3. Thay đổi hành vi
Những thay đổi bất ngờ trong hành vi có thể xảy ra, nhất là các hành vi bạo lực hay nguy hiểm như gây sự đánh nhau, sử dụng vũ khí, có ý định muốn làm tổn thương người khác.
4. Vấn đề về khả năng tập trung
Trẻ có xu hướng không thể ngồi yên hoặc tập trung vào một thứ nào đó quá lâu. Điều này dẫn đến việc sụt giảm thành tích học tập hay thể thao.
5. Giảm cân không có lý do
Giảm cân, nôn mửa thường xuyên hoặc phải sử dụng thuốc nhuận tràng có thể là dấu hiệu của rối loạn ăn uống.
6. Xuất hiện những cơn đau, nhức không giải thích được
Không giống như người lớn, rối loạn tâm thần ở trẻ em có thể gây ra đau đầu và đau dạ dày nhiều hơn là các triệu chứng về cảm xúc.
7. Tự làm hại chính bản thân
Trong một số trường hợp rối loạn tâm thần, trẻ có thể tự làm hại đến bản thân bằng cách tự cắt hay làm bỏng da thịt. Những đứa trẻ này có thể nuôi suy nghĩ muốn tự tử hay nỗ lực tự kết thúc cuộc sống của mình.
8. Lạm dụng các chất kích thích
Việc sử dụng chất gây nghiện hay rượu được xem là cơ chế đối phó ở một số trẻ em bị rối loạn tâm thần. Bé có thể sử dụng các chất kích thích này để giải tỏa tâm trạng của bản thân.
9. Mệt mỏi
Mất đi động lực để thực hiện các hoạt động hàng ngày hoặc theo đuổi các sở thích và có xu hướng mệt mỏi, chán nản không rõ nguyên nhân cũng là những dấu hiệu cảnh báo cho rối loạn tâm thần ở trẻ em.
10. Ám ảnh hay phủ nhận ngoại hình bản thân
Quá chú ý đến ngoại hình, dáng vóc hay cân nặng cũng là nguyên nhân dẫn đến lo âu quá mức.
11. Khó ngủ
Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc hay thường xuyên gặp ác mộng trong khoảng thời gian dài cũng có nguy cơ là triệu chứng của rối loạn tâm thần.
12. Né tránh các tiếp xúc xã hội
Không hòa nhập với gia đình và bạn bè, tránh xa tất cả các phương thức tương tác với xã hội có thể là dấu hiệu đáng báo động.
13. Gia tăng khiếu nại về hành vi
Khi trẻ bắt đầu bắt nạt hoặc đánh những đứa trẻ khác ở trường và đối mặt với nhiều khó khăn khác ở môi trường mới, bạn cần phải chú ý, quan tâm đến trẻ nhiều hơn vì đây có thể là nguyên nhân và biểu hiện của các rối loạn tâm thần.
Chẩn đoán
Trẻ em dễ mắc phải các bệnh tâm thần tương tự như người lớn. Tuy nhiên, việc chẩn đoán thường gặp nhiều khó khăn hơn vì trẻ em vẫn đang trải qua giai đoạn tăng trưởng và phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần.
Bác sĩ sẽ tập trung vào các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng nhận thấy được ở trẻ, đồng thời cũng tham khảo các đánh giá từ bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý hoặc nhà trị liệu hành vi để đưa ra chẩn đoán.