Bí quyết “đánh bay” mọi tác nhân gây dị ứng bụi trong nhà • Hello Bacsi

Related Articles

Tránh tiếp xúc với các dị nguyên là cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa dị ứng bụi. Muốn làm được điều đó, một trong những việc quan trọng nhất bạn cần chú ý là sắp xếp và dọn dẹp nhà cửa đúng cách để đảm bảo các tác nhân này không còn chỗ “trú ẩn”.

Dị ứng bụi là tình trạng rất thường gặp, nhất là với những ai đang sống ở các đô thị lớn có nhiều khu công nghiệp và mật độ giao thông cao. Để phòng ngừa dị ứng bụi, ngoài việc “che chắn” cẩn thận khi ra ngoài, bạn sẽ cần chú ý đến việc vệ sinh không gian sống bởi bụi bẩn có thể tồn tại ở khắp mọi nơi, ngay cả trong ngôi nhà của bạn.

Bạn hãy dành ngay vài phút tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu thêm về các giải pháp vệ sinh nhà cửa hiệu quả giúp phòng ngừa tình trạng này!

Triệu chứng phổ biến của dị ứng bụi

Biểu hiện dị ứng bụi ở mỗi người sẽ khác nhau nhưng hắt hơi là triệu chứng thường gặp nhất. Ngoài ra, bạn còn có thể gặp phải các triệu chứng khó chịu khác như:

  • Ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • Mắt bị ngứa, đỏ và chảy nước mắt
  • Ngứa ở miệng, da hoặc cổ họng
  • Mí mắt sưng húp
  • Thở khò khè, ho, tức ngực và khó thở

Nếu kéo dài, các triệu chứng dị ứng bụi có thể khiến bạn mệt mỏi, suy nhược cơ thể, khó tập trung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và gây nhiều cản trở trong sinh hoạt. Không những vậy, tình trạng này còn có thể dẫn đến viêm xoang, hen suyễn và nhiều bệnh lý về đường hô hấp khác.

Các yếu tố khiến tình trạng dị ứng bụi trở nên nghiêm trọng hơn

Yếu tố gây dị ứng bụi

Dị ứng bụi có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên hay các tác nhân gây dị ứng như:

  • Mạt bụi: Mạt bụi, hạt phân và chất tiết của chúng là những yếu tố chính gây dị ứng bụi nhà. Gối, nệm, thảm và đồ nội thất bọc đệm là những nơi có nhiều dị nguyên từ mạt bụi nhất. Khi nồng độ dị nguyên vượt ngưỡng an toàn (2μg/g) thì có thể khiến bạn bị dị ứng.
  • Gián: Dị nguyên trong phân, nước bọt và các bộ phận cơ thể của gián có thể là tác nhân gây bệnh hen suyễn và kích hoạt các phản ứng dị ứng.
  • Nấm mốc: Nấm mốc tạo ra các bào tử bay lơ lửng trong không khí, làm khởi phát các triệu chứng dị ứng. Nấm mốc thường tập trung nhiều ở những khu vực ẩm ướt như phòng tắm hoặc nhà bếp.
  • Phấn hoa: Tác nhân gây dị ứng này thường có nguồn gốc từ cây, cỏ, hoa và cỏ dại quanh nhà.
  • Vật nuôi: Các protein có trong vảy da, nước bọt và nước tiểu của vật nuôi có thể gây ra các phản ứng dị ứng.

Các tác nhân gây dị ứng kể trên thường hiện diện rất nhiều trong bụi nhà. Do đó, nhà càng nhiều bụi bẩn thì nguy cơ bị dị ứng bụi càng cao. Ngoài ra, một số đối tượng sẽ đặc biệt nhạy cảm với bụi như trẻ em, người lớn tuổi, người có tiền sử mắc các bệnh hô hấp, bệnh phổi, người hút thuốc lá nhiều…

Giải pháp phòng ngừa dị ứng bụi hiệu quả

Giải pháp phòng ngừa dị ứng bụi nhà

Giải pháp phòng ngừa dị ứng bụi hiệu quả nhất là bạn cần loại bỏ hết những tác nhân gây dị ứng kể trên ra khỏi không gian sống. Tuy nhiên, làm thế nào để làm được điều này?

Cách “xử lý” mạt bụi

Mạt bụi thường “trú ngụ” nhiều nhất trên nệm, giường, các đồ vật bọc đệm như sofa, thảm. Theo ước tính, giường có thể chứa từ 100.000 đến 1 triệu con mạt bụi. Để loại bỏ mạt bụi, bạn cần:

  • Sử dụng các loại vỏ bọc nệm, gối, chăn chống mạt bụi
  • Giặt ga trải giường, vỏ gối, chăn 1 tuần/lần với nước có nhiệt độ tối thiểu 54°C để diệt hết mạt bụi, phân và chất tiết của chúng
  • Loại bỏ các vật dụng được xem là “nam châm hút bụi” ra khỏi phòng ngủ, chẳng hạn như đồ chơi nhồi bông, đồ treo tường, sách, tạp chí cũ và hoa giả
  • Hạn chế sử dụng thảm bởi thảm là nơi sinh sống yêu thích của mạt bụi. Nếu dùng thì cần hút bụi hàng tuần và giặt thảm thường xuyên
  • Giữ nhiệt độ trong nhà khoảng 20 – 22°C và độ ẩm không quá 50%. Tránh sử dụng các loại quạt hơi nước vì có thể làm tăng độ ẩm không khí
  • Sử dụng các loại rèm sáo, rèm vải nhẹ để dễ vệ sinh
  • Tránh sử dụng đồ nội thất bọc vải, thay vào đó bạn nên lựa chọn các sản phẩm được làm bằng gỗ, da hoặc vinyl.

“Giải quyết” các tác nhân gây dị ứng từ vật nuôi

Vật nuôi là nguồn sản sinh ra các tác nhân gây dị ứng chính trong nhà. Các tác nhân này đến từ tuyến mồ hôi và tuyến nước bọt của chúng, khi dính vào lông và da sẽ rất dễ phát tán vào không khí và đặc biệt khó loại bỏ.

Do đó, nếu là người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng thì tốt nhất bạn không nên nuôi thú cưng. Nếu nuôi, bạn nên tắm và chải lông cho thú cưng ít nhất mỗi tuần một lần, đồng thời giữ chúng cách xa phòng ngủ. Ngoài ra, bạn cần chú ý vệ sinh các vật dụng mà lông thú cưng hay bám vào như đồ nội thất bọc đệm, các kẽ nhỏ trên sàn….

Ngăn ngừa nấm mốc

Bạn có thể hạn chế nấm mốc hiệu quả bằng cách:

  • Lau sạch bồn rửa, vòi nước bằng các chất tẩy rửa
  • Tăng cường thông gió trong nhà bằng cách sử dụng quạt thông gió để giảm độ ẩm và khói bếp
  • Kiểm tra hệ thống ống nước ở nhà bếp và nhà tắm thường xuyên để sớm phát hiện rò rỉ
  • Tránh để các vật dụng trong nhà bị ẩm
  • Làm sạch hoặc loại bỏ các đồ vật đã bị nấm mốc
  • Tránh để các chậu cây trong nhà vì đây là môi trường tốt để nấm mốc phát triển

Hạn chế phấn hoa

Để ngăn ngừa tác nhân gây dị ứng bụi nhà này, bạn nên:

  • Không sử dụng quạt áp mái, hạn chế mở cửa sổ để tránh phấn hoa, bào tử nấm mốc và các chất gây dị ứng từ bên ngoài bay vào nhà
  • Trang bị máy lọc không khí có bộ lọc HEPA để loại bỏ phấn hoa và các tác nhân gây dị ứng khác
  • Nếu đi ra ngoài thì bạn cần “che chắn” kỹ lưỡng bằng cách đeo kính râm, khẩu trang… Ngoài ra, sau khi ra ngoài bạn nên thay đồ ngay để tránh mang phấn hoa từ bên ngoài vào nhà

Nhìn chung, rất khó để có thể loại bỏ hết các tác nhân gây dị ứng bụi nhà bởi chúng thường có kích thước rất nhỏ. Ngoài ra, những cách làm sạch bụi thông thường bằng khăn, chổi hoặc cây lau sàn đôi khi không phải là giải pháp hiệu quả. Bởi khi quét bằng chổi, các hạt bụi nhỏ, bụi mịn có thể bay trở lại vào không khí. Trong khi đó, việc lau chùi bằng khăn hoặc cây lau có thể đẩy bụi vào sâu trong các ngóc ngách hoặc kẽ hở. Lúc này, máy hút bụi là một lựa chọn “sáng giá” mà bạn có thể cân nhắc.

Sử dụng máy hút bụi có thể hạn chế được tình trạng các hạt bụi nhỏ phát tán ra ngoài không khí và xâm nhập vào đường hô hấp. Không những vậy, máy hút bụi còn là “trợ thủ đắc lực” giúp bạn xử lý các vật dụng khó vệ sinh như đệm, thảm, sofa, rèm cửa và các vị trí khó tiếp cận như góc nhỏ trong nhà, bề mặt cao…

Bạn có thể vệ sinh nhà cửa từ 1 – 2 lần mỗi tuần bằng máy hút bụi để loại bỏ hết các tác nhân gây dị ứng trong nhà, bên cạnh việc thực hiện các phương pháp phòng ngừa dị ứng bụi kể trên

Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm máy hút bụi khác nhau. Điều này có thể khiến bạn gặp khó khăn trong quá trình tìm mua máy hút bụi. Khi lựa chọn, bạn nên cân nhắc đến nhiều yếu tố. Trong đó, một yếu tố quan trọng bạn cần xem xét là công suất và lực hút của máy. Máy cần có lực hút mạnh để làm sạch sâu cả những hạt bụi siêu nhỏ. Ngoài ra, các dòng máy có trang bị bộ lọc HEPA với đầu hút chuyên dụng sẽ giúp bạn dễ dàng làm sạch bụi bẩn trên nhiều bề mặt như sàn cứng, đệm, rèm cửa. Và một yếu tố quan trọng không kém là máy cần gọn, nhẹ, dễ di chuyển và có thể thay đổi chiều dài đầu hút để bạn dễ vệ sinh những vị trí khó tiếp cận.

Ngày nay, một số dòng máy hút bụi hiện đại còn được bổ sung thêm hệ thống laser giúp phát hiện các hạt bụi siêu nhỏ cũng như bộ cảm biến để đo kích cỡ và đếm số lượng hạt bụi. Nếu đang chọn mua một chiếc máy hút bụi, bạn có thể cân nhắc đến các yếu tố này.

Dị ứng bụi nhà có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu bạn cũng đang “đau đầu” giải quyết nỗi lo dị ứng bụi thì đừng ngần ngại thử các giải pháp trên của Hello Bacsi và cảm nhận hiệu quả nhé!

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất