Các vi sinh vật có khả năng gây viêm giác mạc, bao gồm:
- Vi khuẩn: phổ biến nhất là hai chủng Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus
- Nấm: giác mạc của mắt dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với Aspergillus, Candida hoặc Fusarium
- Virus: Herpes simplex là chủng virus gây viêm giác mạc mắt phổ biến nhất, thường phát triển từ tình trạng viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
- Ký sinh trùng: Acanthamoeba là ký sinh trùng dạng đơn bào được tìm thấy nhiều trong nguồn nước tự nhiên, có thể gây viêm giác mạc bằng cách bám trụ lại trên bề mặt kính áp tròng và tấn công vào lớp hàng rào ngoài cùng này của nhãn cầu khi người bệnh đeo kính.
Bệnh viêm giác mạc có lây không?
Đáp án cho câu hỏi “bệnh viêm giác mạc có lây không?” phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu vấn đề của bạn là khô mắt, dị ứng, thiếu vitamin A… thì bạn sẽ không lây bệnh cho những người xung quanh. Ngược lại, với trường hợp tác nhân gây bệnh là vi sinh vật, bạn có thể dễ dàng lây truyền các yếu tố này cho người khác.
Ngoài ra, đôi khi viêm giác mạc cũng có thể là biến chứng của một số tình trạng nhiễm trùng khác đang diễn ra, chẳng hạn như mụn rộp sinh dục do herpes.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm giác mạc là gì?
Bên cạnh các nguyên nhân được đề cập ở trên, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn người khác nếu có những yếu tố sau:
- Hệ miễn dịch kém
- Khí hậu nơi sinh sống nóng ẩm
- Đã từng bị chấn thương mắt trong quá khứ
Chẩn đoán và điều trị
Các thủ thuật dùng trong chẩn đoán bệnh viêm giác mạc
Bác sĩ nhãn khoa sẽ xác định một người có bị viêm giác mạc mắt hay không bằng cách:
- Khám tổng quát mắt
- Đặt câu hỏi về bệnh sử cá nhân của người bệnh
- Phân tích mẫu mô giác mạc nhằm tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng
Ngoài ra, với trường hợp nghi ngờ bệnh do ký sinh trùng, các chuyên gia có thể yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác nhằm xác nhận chẩn đoán, đồng thời xác định loại ký sinh trùng gây bệnh.
Đâu là cách điều trị viêm giác mạc mắt hiệu quả?
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà cách điều trị viêm giác mạc có thể khác nhau, chẳng hạn như:
Do đeo kính áp tròng
Đừng sử dụng cặp kính khiến mắt bạn bị kích ứng, đồng thời tránh dùng kính áp tròng cho đến khi tình trạng mắt được cải thiện.
Do nhiễm khuẩn
Đối với trường hợp viêm do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê toa:
- Thuốc kháng sinh dạng nhỏ mắt cho trường hợp nhẹ, không quá nguy hiểm
- Thuốc nhỏ mắt chứa steroid đối với tình trạng chuyển biến nghiêm trọng
Ngoài ra, nhằm hạn chế rủi ro gặp tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần đảm bảo tuân theo chỉ định của bác sĩ khi áp dụng phương pháp này.
Do nhiễm nấm
Thuốc kháng nấm sẽ được áp dụng trong vài tháng để đối phó với trường hợp này. Nếu bệnh không có dấu hiệu cải thiện, bạn có thể cần đến phẫu thuật.
Nhiễm virus
Thuốc nhỏ mắt trị viêm giác mạc có tính kháng virus là lựa chọn điều trị hàng đầu đối với tình trạng này. Ngoài ra, đôi khi bác sĩ cũng có thể kết hợp thêm với thuốc kháng virus dạng uống. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thuốc đặc trị cho chủng Herpes simplex gây bệnh vẫn chưa được tìm ra nên tình trạng này hoàn toàn có khả năng tái phát, ngay cả khi bạn đã điều trị thành công.