Bán hạ • Hello Bacsi

Related Articles

Tên thường gọi: Bán hạ, củ chóc

Tên khác: Chóc chuột, nam tinh, ba chìa, bán hạ ba thùy

Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Schott

Họ: Ráy (Araceae)

Tổng quan về dược liệu bán hạ

Bán hạ là dược liệu gì?

Bán hạ là thân rễ phơi hay sấy khô rồi chế biến của nhiều cây khác nhau, đều thuộc họ Ráy – Araceae.

  • Bán hạ Việt Nam gồm những cây có tên khoa học như sau: Typhonium trilobatum (Schott), Typhonium divaricatum Decne.
  • Cây bán hạ Trung Quốc có tên khoa học là Pinellia ternata (Thunb.) Breiter hay Pinellia tuberifera Tenore.
  • Cây chưởng diệp bán hạ có tên Pinellia pedatisecta (Schott).

Lưu ý, dù cùng một loài cây nhưng tùy theo củ to hay nhỏ khác nhau mà cho các vị thuốc có tên khác nhau. Chẳng hạn như củ nhỏ của cây bán hạ tại một số vùng ở nước ta được khai thác và dùng với tên bán hạ, còn củ to của cùng cây ấy thì được dùng với tên gọi là nam tinh. Vì vậy, việc sử dụng dược liệu này còn khá lẫn lộn cả trong và ngoài nước.

Cây bán hạ Việt Nam còn được gọi là củ chóc, lá ba chìa… là một loại cỏ không có thân, củ hình cầu có đường kính tới 2cm. Lá mọc từ củ, hình tim hay hình mác, có thể chia thành 3 thùy, cuống dài pha màu đỏ tím nhạt, phần gốc loe ra thành bẹ. Mùa hoa của bán hạ rơi vào khoảng tháng 5–7.

Bộ phận dùng của bán hạ

Cây bán hạ Việt Nam mọc hoang ở những nơi đất ẩm từ nam ra bắc. Mọi người thường đào rễ (củ), rửa sạch đất cát rồi lựa củ to (gọi là nam tinh), củ nhỏ (gọi là bán hạ). Bán hạ có thể dùng tươi (thường dùng giã để đắp lên nơi rắn độc cắn) hoặc dùng khô đã qua chế biến. Theo quan niệm Đông y, bán hạ có thể chế biến qua nhiều cách để giảm độ độc tức là loại trừ tác dụng gây ngứa (tẩm cam thảo, phèn chua, nước vo gạo, nước vôi) hay tăng tác dụng chữa ho (tẩm gừng hay bồ kết). Sau đây là một số cách chế biến thường thấy:

  • Tẩm cam thảo với bồ kết: Bán hạ rửa sạch, ngâm nước trong 2–3 ngày, mỗi ngày thay nước một lần cho đến khi nước trong hẳn. Cứ 1kg bán hạ sẽ thêm 0,1kg (100g) cam thảo, 0,100kg bồ kết và nước cho đủ ngập rồi đun đến khi cạn hết nước, vớt ra phơi hay sấy khô.
  • Tẩm gừng và phèn chua: Bán hạ cũng rửa sạch và ngâm nước như trên. Cứ 1kg bán thì thêm 50g phèn chua và 300g gừng tươi giã nhỏ, thêm nước vào cho ngập. Ngâm trong 24 giờ, lấy ra rửa sạch. Đồ cho chín xong thái mỏng, lại tẩm nước gừng: cứ 1kg bán hạ thêm 150g gừng tươi giã nát, thêm ít nước, vắt lấy nước và cho bán hạ vào ngâm một đêm. Cuối cùng lấy ra sao vàng là được.
  • Dược điển Việt Nam lại quy định ngâm củ chóc vào nước vo gạo 1–2 gạo, vớt ra, rửa sạch rồi ngâm với phèn chua trong hai ngày, khi nhấm thử không còn thấy tê cay thì vớt ra, rửa sạch để ráo nước. Tiếp theo, giã đến hơi dập, phơi qua, phân loại củ to củ nhỏ, tẩm nước gừng, ủ 2–3 giờ rồi đem sao cháy cạnh.

Thành phần hóa học trong bán hạ

Bán hạ chứa 69,9% nước, 1,4% protein, 0,1% chất béo, 1% chất sợi, 26% các cacbohydrat khác, 1,6% các chất vô cơ và các khoáng chất như canxi, phospho, sắt, natri, kali.

Ngoài ra, bán hạ còn có thiamin, niacin, caroten, axit folic, fluorin, iodin, cholin. Củ chóc Việt Nam còn chứa alkaloid và stigmasterol.

Tác dụng, công dụng của bán hạ

Bán hạ mang lại công dụng gì?

Một số tác dụng dược lý được nghiên cứu trên bán hạ bao gồm:

  • Ức chế thần kinh trung ương
  • Chống nôn: theo y văn cổ, bán hạ sống có tác dụng gây nôn còn bán hạ chế lại có tác dụng ức chế nôn do chất gây nôn đã bị phá hủy trong quá trình bào chế, sao tẩm.
  • Chống ho
  • Giảm đau
  • Giảm co thắt cơ trơn
  • Kích thích co bóp tử cung ở liều thấp nhưng ức chế co bóp ở liều cao
  • Hạ nhãn áp
  • Chống loét dạ dày

Về tính vị, công năng thì bán hạ có vị cay, tính ôn, có độc, quy vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng tán phong đờm, hạ khí, giáng nghịch, hòa vị, chống nôn.

Bán hạ được dùng trong y học cổ truyền với tác dụng chống nôn mửa ở phụ nữa có thai, nôn mửa trong trường hợp viêm dạ dày mạn tính, chữa ho có đờm, ho lâu ngày, hen suyễn.

Liều dùng dược liệu bán hạ

Liều dùng của bán hạ có thể khác nhau tùy vào tình trạng của mỗi người. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Liều dùng thông thường cho bán hạ là gì?

  • Dùng mỗi ngày từ 3–10g.
  • Nếu dùng ngoài, lấy bán hạ tươi giã nát đắp tại chỗ để chữa mụn nhọt, sưng đau.

Một số bài thuốc có dược liệu bán hạ

Bán hạ có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Chữa ho gió, ho có đờm, ho lâu ngày, nôn mửa:

  • Bán hạ, vỏ quýt khô, rễ dâu mỗi thứ 150g, cát cánh, ô mai, lá chanh, lá táo, cam thảo dây mỗi thứ 100g, đường 200g. Bán hạ, vỏ quýt, rễ dâu, cát cánh đem phơi sấy đến khô giòn rồi tán bột; ô mai bóc lấy cùi giã nhuyễn; lá chanh, lá táo, cam thảo dây đem sắc với 400ml nước đến khi còn khoảng 100ml; đường nấu thành siro. Tất cả trộn đều vo thành viên 0,5g. Người lớn dùng 15–20 viên/ngày. Trẻ em dùng từ 5–15 viên tùy từng độ tuổi, ngậm nhiều lần trong ngày.
  • Bán hạ 15g, vỏ quýt 15g, hạt cải củ 15g, hạt cải bẹ 10g đem sắc lấy nước uống

2. Chữa đờm dãi kéo lên vướng cổ, nghẹt thở, ho tức ngực, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài:

Bán hạ 8g, trần bì 8g, gừng sống 6g. Tất cả đem sắc nước uống.

3. Chữa hắc loan, bụng đầy trướng

Bán hạ (chế với gừng), quế, mỗi vị một lượng bằng nhau, đem tán bột uống với nước sắc của lá lấu và xương bồ.

Lưu ý, thận trọng khi dùng bán hạ

Khi dùng dược liệu bán hạ, bạn cần lưu ý những gì?

Theo nghiên cứu trên động vật, dịch chiết cồn của bán hạ có thể gây co quắp ở con vật đến chết. Tác dụng này giống như tác dụng hưng phấn của bán hạ đối với mạt tiêu thần kinh.

Bán hạ được dùng cho những đối tượng bị nôn mửa, đờm thấp, hen suyễn, nhức đầu, mất ngủ; dùng ngoài có tác dụng tiêu thũng.

Mức độ an toàn của dược liệu bán hạ

Sử dụng cẩn thận cho phụ nữ có thai, có chứng táo nhiệt. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thảo dược này.

Những tương tác với bán hạ có thể xảy ra

Vị bán hạ phản với ô đầu, thảo ô; ghét tạo giác; sợ hùng hoàng, gừng sống, gừng khô, tần bì, quy giáp; kỵ máu dê, hải tảo, mạch nha, đường.

Do đó, bạn không nên sử dụng chung những vị thuốc này với nhau.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất