15 thủ phạm khiến da nổi mẩn ngứa và cách điều trị hiệu quả!

Related Articles

Da nổi mẩn ngứa có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau từ bệnh về da cho đến một số bệnh lý gây ra. Tùy từng nguyên nhân gây ra tình trạng mẩn ngứa, bạn sẽ có cách kiểm soát cũng như điều trị phù hợp.

Triệu chứng da bị nổi mẩn ngứa ở tay, chân, da đầu hoặc toàn bộ cơ thể. Có người chỉ thấy da nổi mẩn đỏ ngứa nhưng đôi khi cũng bị nứt nẻ, nổi cục, đốm hay mụn nước, các mảng da sần sùi hoặc có vảy, xước da… Ngứa ngáy thậm chí kéo dài và dữ dội, càng chà xát lại càng ngứa hơn.

Dưới đây là 15 nguyên nhân khiến da nổi mẩn ngứa mà Hello Bacsi đã tổng hợp được để bạn biết cách kiểm soát tình trạng da nổi mẩn ngứa và ngăn ngừa tình trạng tái phát.

Da nổi mẩn ngứa do mắc bệnh về da

Da sẽ xuất hiện những nốt đỏ gây ngứa rất khó chịu nếu bạn mắc các bệnh về da dưới đây:

1. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là một tình trạng bệnh rất phổ biến do da chạm phải các chất gây kích ứng. Có nhiều nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc nhưng nguyên nhân chính gây bệnh thường bao gồm:

• Tiếp xúc với các hóa chất tẩy mạnh: Bạn có thể bị viêm da tiếp xúc do hóa chất có trong nước giặt quần áo, nước rửa chén, nước xịt đa năng trong quá trình làm việc nhà hoặc do tiếp xúc với các sản phẩm tắm gội, chăm sóc da.

• Quần áo gây kích ứng: Quần áo bạn mặc được giặt bằng sản phẩm có chứa hóa chất kích ứng hoặc chất liệu vải làm da nổi mẩn ngứa.

• Vi khuẩn, bụi bẩn, lông thú cưng: Đây cũng là những nguyên nhân chính yếu khiến da nổi mẩn ngứa.

2. Da nổi mẩn ngứa do bị khô

bệnh chàm khiến da nổi mẩn ngứa

Nguyên nhân chính yếu làm da khô, dẫn tới da nổi mẩn ngứa gồm:

  • Căng thẳng làm nội tiết tố thay đổi và khiến da nổi mẩn ngứa: Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, massage thư giãn, đi du lịch…
  • Thời tiết quá lạnh, nóng hoặc môi trường quá khô làm da dễ bị kích ứng: Bạn nên giữ da sạch bằng cách tắm nước ấm mỗi ngày rồi sau đó dưỡng ẩm đều đặn.
  • Tuổi tác càng cao, da khô hơn theo tuổi: Tránh gãi, sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng, tắm bằng nước ấm và thoa kem dưỡng ẩm.
  • Vi khuẩn, virus, bụi bẩn, phấn hoa: Bạn có thể loại bỏ vi sinh vật bằng cách thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và định kỳ giặt chăn, drap, bao gối, chiếu bằng những sản phẩm có thành phần lành tính, thân thiện với môi trường.
  • Hóa chất độc hại trong sản phẩm tẩy rửa, chất bảo quản, mỹ phẩm, sản phẩm tắm gội: Bạn cần nên tìm hiểu kỹ và chọn những sản phẩm chăm sóc gia đình tốt cho sức khỏe để bảo vệ làn da.

3. Bệnh vảy nến

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến hiện vẫn chưa rõ nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng điều này xảy ra là do rối loạn miễn dịch trong cơ thể khiến các tế bào da cũ chưa kịp tróc ra thì tế bào da mới đã hình thành. Từ đó, các tế bào này tích tụ lại một chỗ gây ra tình trạng nổi ngứa từng mảng dày, có vảy trắng hoặc bạc và có mảng đỏ trên da.

Một số nguyên nhân khác có thể làm tăng tình trạng rối loạn miễn dịch là do các yếu tố di truyền và yếu tố kích hoạt gây nên như stress, hút thuốc, cháy nắng, căng thẳng, nghiện rượu, nhiễm trùng da, thời tiết lạnh, khô, tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp, sốt rét…

Khi bị vảy nến, bạn không nên tự điều trị tại nhà mà cần đến bác sĩ để được điều trị đúng cách nhằm ngăn chặn tình trạng nổi ngứa từng mảng và sự phát triển quá nhanh của các tế bào da.

4. Ghẻ khiến da nổi mẩn ngứa

da nổi mẩn ngứa đỏ

Bệnh ghẻ thường khiến da mẩn ngứa do một loại rệp nhỏ Sarcoptes scabiei gây ra. Rệp có thể đẻ trứng làm cho vùng da ngứa dữ dội, dẫn đến tình trạng xấu hơn như lở loét, nhiễm trùng da.

Bác sĩ da liễu có thể chỉ định một số loại thuốc mỡ như DEP, kem dưỡng, thuốc trị ngứa cũng như thuốc kháng histamin để bạn trị rệp. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp thêm lối sống sinh hoạt để hỗ trợ trị ghẻ hiệu quả như làm mát da bằng nước mát hoặc dùng khăn ướt lau da.

5. Nấm da

Nấm da là bệnh lý ở da và móng do nhiễm nấm gây nên. Đây là một bệnh có thể lây truyền qua 4 con đường:

  • Từ người sang người
  • Từ động vật nhiễm bệnh sang người
  • Tiếp xúc với đồ vật đã nhiễm nấm
  • Tiếp xúc với các bề mặt (sàn nhà, mặt bàn ghế, mặt đất nhiễm nấm)

Đây là một bệnh có thể được điều trị bằng thuốc trị nấm, kem bôi hay thuốc mỡ. Bạn nên chú ý điều trị tận gốc tình trạng này để không có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể phòng ngừa nấm da, tránh gặp tình trạng nổi mẩn đỏ trên da và ngứa bằng các cách dưới đây:

  • Luôn rửa tay thường xuyên và vệ sinh cá nhân cẩn thận
  • Thường xuyên lau dọn nhà cửa bằng sản phẩm từ gốc thực vật để bảo vệ sức khỏe gia đình
  • Giữ cơ thể luôn thoáng mát và khô ráo, tránh mặc quần áo quá dày khiến cơ thể bị đổ mồ hôi nhiều
  • Vệ sinh đồ dùng cá nhân sạch sẽ và không dùng chung đồ đạc với người khác.

6. Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa thường khiến da nổi mẩn ngứa và dễ tái đi tái nhiều lần nếu không được kiểm soát triệt để.

Nguyên nhân gây bệnh thường là do 3 yếu tố: Di truyền, hệ miễn dịch yếu và các yếu tố ngoài môi trường.

Các yếu tố ngoài môi trường có thể khiến bạn bị viêm da cơ địa bao gồm:

  • Ở trong thời tiết lạnh, khô, thiếu độ ẩm
  • Tắm nước quá nóng gây khô da, dẫn đến viêm da cơ địa
  • Tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa, khói thuốc lá, lông thú cưng
  • Tiếp xúc với hóa chất tạo mùi hương trong các sản phẩm tẩy rửa

7. Bệnh mề đay khiến da nổi mẩn ngứa

bệnh mề đay khiến da nổi mẩn ngứa

Nguyên nhân gây bệnh mề đay là các chất gây dị ứng. Khi những chất này xâm nhập vào cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch phản ứng lại bằng cách giải phóng histamin. Tuy nhiên, cơ thể bạn lại phản ứng với histamin nên tạo ra phản ứng dị ứng, khiến bạn bị nổi mẩn ngứa và sưng.

Dưới đây là những chất gây dị ứng có thể khiến bạn bị nổi mề đay:

  • Phấn hoa
  • Bị côn trùng đốt
  • Dị ứng với thuốc
  • Dị ứng thực phẩm
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn
  • Mắc phải các bệnh tự miễn
  • Dị ứng với hóa chất độc hại
  • Gặp các vấn đề về nội tiết tố
  • Thân nhiệt thay đổi đột ngột (lúc nóng, lúc lạnh)

Để phòng ngừa tình trạng nổi mề đay, bạn cần nên biết được chính xác những nguyên nhân gây bệnh thì mới có thể khắc phục được tình trạng. Trong lúc mắc bệnh, bạn nên mặc quần áo thoải mái, tránh tiếp xúc với những chất gây kích ứng, hóa chất độc hại và tránh tập luyện quá sức.

Da nổi mẩn ngứa do các bệnh lý bên trong cơ thể

Không chỉ mắc các bệnh ngoài da mới khiến bạn bị nổi mẩn ngứa mà ngay cả các bệnh lý từ bên trong cơ thể cũng khiến da bạn xuất hiện tình trạng này. Dưới đây là những bệnh lý bên trong cơ thể khiến da nổi mẩn ngứa mà bạn nên biết.

1. Sẩn ngứa do gan

Da nổi mẩn đỏ là một trong những triệu chứng báo hiệu cơ thể nhận quá nhiều các loại độc tố khác nhau khiến gan bị suy giảm chức năng thải độc. Chất độc tồn dư lâu ngày trong cơ thể sẽ gây ra các biểu hiện lâm sàng như da nổi mẩn đỏ ngứa, mề đay.

Người mắc bệnh sẩn ngứa do gan nếu không được điều trị đúng cách sẽ âm thầm tiến triển, về lâu dài có thể dẫn đến xơ gan.

2. Bệnh suy thận

Thận có chức năng loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Nếu thận bị suy, sự tích tụ của các chất thải này trong máu có thể gây ngứa nổi mẩn đỏ ở da.

Bên cạnh sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ và thường xuyên theo dõi sức khỏe khi bị gan và thận, bạn cần:

  • Bỏ hút thuốc lá (nếu có), tránh hút thuốc thụ động
  • Thường xuyên luyện tập thể thao để bảo vệ sức khỏe
  • Tạo sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya
  • Hạn chế ăn chất béo, muối, giảm đạm trong khẩu phần ăn uống và giảm rượu bia
  • Ăn nhiều rau, củ, quả, uống nước đầy đủ và thực hiện chế độ ăn uống dinh dưỡng

3. Bệnh tiểu đường khiến da nổi mẩn ngứa

bệnh tiểu đường khiến da nổi mẩn ngứa

Bệnh tiểu đường khiến cho lượng đường trong máu ở người bệnh tăng cao, làm cơ thể bị mất nước và giảm tưới máu nuôi da. Hơn thế nữa, bệnh tiểu đường còn khiến các dây thần kinh bị tổn thương, giảm cảm giác. Cuối cùng gây khô da và ngứa ngáy.

Khi bị ngứa da do tiểu đường, bạn hãy:

  • Dưỡng ẩm da
  • Giảm thiểu căng thẳng
  • Mặc quần áo thoáng mát
  • Đắp gạc lạnh để giảm ngứa.

4. Bệnh suy giáp

Bệnh suy giáp có thể khiến cho da khô, phù nề, cơ thể chịu lạnh kém và gây ra cảm giác ngứa ngáy cho người bệnh.

5. Da bị mẩn ngứa do nhiễm giun sán

Tình trạng nhiễm giun sán làm thải chất độc vào máu khiến cho cơ thể xem chất độc này như một kháng nguyên lạ và sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của dị nguyên, từ đó khiến da mẩn ngứa.

Bên cạnh sổ giun theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị tình trạng mẩn ngứa da, bạn nê:

  • Vệ sinh cá nhân thật tốt, có thói quen rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi vệ sinh
  • Thường xuyên làm sạch đồ dùng cá nhân cẩn thận
  • Tuân thủ quy tắc ăn chín, uống sôi.

Da nổi mẩn ngứa do có bệnh liên quan đến tâm lý – thần kinh

da nổi mẩn ngứa đỏ do vấn đề tâm lý - thần kinh

Một số loại bệnh liên quan đến tâm lý hoặc thần kinh như zona thần kinh và bệnh về tâm lý có thể khiến cho da nổi mẩn ngứa.

Bệnh zona thần kinh

Bệnh zona thần kinh do virus varicella-zoster tái hoạt động gây ra. Sau khi khởi phát các dấu hiệu ban đầu như nhức đầu, sốt, mệt mỏi, bạn sẽ cảm thấy bị nổi mẩn ngứa ngáy, phát ban, sau đó tiến triển thành mụn nước, cuối cùng mụn vỡ ra và đóng vảy.

Đây là bệnh cần được nhanh chóng điều trị. Vì thế, bạn nên đến bệnh viện điều trị ngay từ sớm, nhất là khi bạn thấy các triệu chứng sau đây:

  • Bạn trên 60 tuổi
  • Tình trạng phát ban và đau diễn ra ở gần mắt
  • Có hệ thống miễn dịch yếu do mắc bệnh ung thư hay có bệnh mạn tính.

Bệnh về tâm lý khiến da nổi mẩn ngứa

Da nổi mẩn ngứa có thể xảy ra trong các bệnh về tâm lý như stress, lo âu, phiền muộn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm… Những tình trạng bệnh này làm cho các tế bào da ở lớp ngoài cùng yếu đi khiến vi khuẩn có hại dễ thâm nhập vào các lớp da ở sâu hơn, gây ra các bệnh về da.

Da bị mẩn ngứa do đang mang thai

da nổi mẩn ngứa do đang mang thai

Phụ nữ mang thai có thể gặp tình trạng da nổi mẩn ngứa do nội tiết tố thay đổi, căng thẳng, thực phẩm gây dị ứng, suy giảm đề kháng, thời tiết, khói bụi, hóa chất độc hại…

Bạn có thể trị nổi mẩn ngứa bằng các phương pháp dân gian như tắm nước mát, chườm lạnh, ngâm mình trong bột yến mạch, chườm lá ngải cứu, đắp lá nha đam.

Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ bằng sản phẩm gốc thực vật, tắm nước ấm, thực hiện lối sống lành mạnh và đặc biệt là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.

Nguyên nhân khiến da nổi mẩn ngứa rất đa dạng. Đó có thể là một bệnh về da hoặc vấn đề tiềm ẩn bên trong cơ thể. Để xác định đúng tình trạng da nổi mẩn ngứa là bệnh gì, bạn cần phải được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định từ bác sĩ, bạn cũng cần để ý thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống dinh dưỡng cùng giữ không gian sống sạch sẽ và kỹ lưỡng trong việc vệ sinh cá nhân để tránh khỏi các bệnh về da nhé.

Xem Thêm Các Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Advertismentspot_img

Bài Viết Được Quan Tâm Nhiều Nhất